Trong những ngày gần đây, nhiều cử tri nổi tiếng nhất nước Mỹ đã thể hiện sự ủng hộ với ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden và "phó tướng" Kamala Harris. Các ngôi sao nổi tiếng như Taylor Swift, Madonna, Cardi B, Tom Hanks và George Clooney đều đã công khai lên tiếng ủng hộ ứng viên Dân chủ.
Trong một bài xã luận cho tạp chí V, nữ ca sĩ Taylor Swift kêu gọi người hâm mộ cô bỏ phiếu cho Biden. Bài viết sau đó được Swift chia sẻ với 140 triệu người theo dõi trên Instagram.
Diễn viên Dwayne Johnson, người đàn ông Mỹ có nhiều người dõi nhất trên Instagram, vốn mô tả mình là cử tri độc lập (không liên kết với đảng phái nào). Hồi tháng 9, Johnson nói trong một video rằng Joe Biden và Kamala Harris là "lựa chọn tốt nhất để lãnh đạo đất nước của chúng ta". Đây là lần đầu tiên Johnson công khai hậu thuẫn một ứng viên tổng thống.
Hội nghị Toàn quốc đảng Dân chủ hồi mùa hè có sự tham gia của những người đoạt giải Oscar, nhạc sĩ và vận động viên chuyên nghiệp - sự tương phản rõ ràng với Hội nghị Toàn quốc của đảng Cộng hòa vào tuần sau đó. Tại sự kiện này, chính Tổng thống Trump, người từng là một sao truyền hình thực tế, là ngôi sao lớn nhất có mặt.
"Trump chắc chắn có sự ủng hộ của một số người nổi tiếng", Cooper Lawrence, tác giả một cuốn sách về người nổi tiếng trong chính trị, nói và liệt kê những cái tên như Kid Rock, James Woods và Scott Baio. "Nhưng xét về khía cạnh những người tiếng tăm nhất, có nhiều người hâm mộ nhất thì Joe Biden thắng chắc".
Lawrence cho biết việc những người nổi tiếng tác động tới chính trị Mỹ không phải là điều mới mẻ, và việc họ thiên về ủng hộ đảng Dân chủ cũng vậy. "Hollywood nghiêng về chủ nghĩa tự do", bà nói. "Đó là truyền thống của giới sao".
Những người nổi tiếng thuộc đảng Cộng hòa có xu hướng ra tranh cử, như cựu tổng thống Ronald Reagan, cựu thống đốc California Arnold Schwarzenegger, những người từng là diễn viên, và Tổng thống Trump, người từng góp mặt trong nhiều chương trình truyền hình thực tế. Trong khi đó, các diễn viên, ca sĩ là đảng viên Dân chủ lại có xu hướng vận động cho ứng viên của đảng.
Vậy sự ủng hộ của giới sao có tác động đến cuộc đua hay không? Các nghiên cứu về vòng bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ năm 2008 cho thấy việc người dẫn chương trình Oprah Winfrey nhiệt tình ủng hộ Barack Obama đã giúp ông có thêm một triệu phiếu bầu. Các nhà nghiên cứu đánh giá "hiệu ứng Oprah" đã đóng vai trò lớn giúp Obama chiến thắng đối thủ Hillary Clinton để giành đề cử của đảng Dân chủ. "Người ta hay đùa rằng Oprah đã chọn tổng thống", Lawrence nói.
Tuy nhiên, "hiệu ứng người nổi tiếng" chưa được thể hiện rõ ràng trong cuộc tổng tuyển cử bầu tổng thống. Lawrence nói những gì giới sao có thể làm là thúc đẩy công chúng đi bỏ phiếu.
Tuần trước, ca sĩ Ariana Grande, người có 280 triệu người theo dõi trên Twitter và Instagram, đã kêu gọi người hâm mộ tại bang Florida quê nhà của mình đăng ký bỏ phiếu trước khi hết hạn vào tối hôm đó. "Những người đồng hương Florida ơi, chúng tôi cần các bạn. Hôm nay là ngày cuối cùng để đăng ký bỏ phiếu", cô viết. "Nếu bạn chưa đăng ký hoặc nếu bạn có bạn bè hay người thân chưa đăng ký, hãy đảm bảo họ thực hiện trong hôm nay vì Florida có thể có tác động lớn đến cuộc bầu cử".
Vài giờ sau, trang đăng ký trực tuyến của bang bị sập vì lượng truy cập tăng đột biến. Quan chức phụ trách bầu cử của Florida Laurel Lee cho biết họ ghi nhận con số cao kỷ lục là 1,1 triệu yêu cầu đăng ký mỗi giờ và sau đó quyết định gia hạn thời hạn đăng ký thêm một ngày.
Nhưng trong khi giới sao có thể thuyết phục người hâm mộ đi bỏ phiếu, các nghiên cứu cho thấy họ chưa thể thuyết phục được công chúng bỏ phiếu cho ai.
Trong mùa bầu cử năm 2016, ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton cũng nhận được sự ủng hộ từ giới sao nhiều hơn Trump. Các buổi gây quỹ của bà có sự tham gia của ca sĩ Justin Timberlake, diễn viên George Clooney và Jennifer Aniston. Lady Gaga, Kim Kardashian và Scarlett Johansson cũng công khai hậu thuẫn bà.
Nhưng sự hậu thuẫn đó đã không giúp Clinton trở thành tổng thống. Bà giành được nhiều phiếu phổ thông hơn Trump nhưng thua ông về phiếu đại cử tri. Một số người thậm chí còn cho rằng các sự kiện có quá nhiều ngôi sao đã làm tổn hại đến cơ hội vào Nhà Trắng của bà.
Trong những ngày cuối cùng của chiến dịch tranh cử năm 2016, bà Clinton xuất hiện với một loạt sao hạng A như Katy Perry, Beyonce và Jennifer Lopez tại các buổi biểu diễn ca nhạc trên khắp đất nước, dường như nhắm đến những cử tri trẻ, đa chủng tộc. Nhưng Clinton vẫn không thể níu kéo được cử tri người Mỹ gốc Phi từng ủng hộ cho Obama. Năm 2016, khoảng 11% cử tri da màu từng bầu cho đảng Dân chủ năm 2008 quyết định không đi bỏ phiếu.
Việc tổ chức một chuỗi buổi biểu diễn âm nhạc với các ngôi sao đình đám thay vì tiếp xúc trực tiếp cử tri có thể đã khiến nhiều người Mỹ củng cố quan điểm rằng Clinton thuộc tầng lớp thượng lưu khó với tới.
Tương tự, trong mùa bầu cử giữa kỳ 2018, sau nhiều năm giữ im lặng về chính trị, Taylor Swift lần đầu tiên hậu thuẫn hai ứng viên Dân chủ ở Tennessee, bao gồm Phil Bredesen, trong cuộc đua vào Thượng viện. Trong một bài đăng trên Instagram, ngôi sao nhạc pop đề cập đến đối thủ của Bredesen, Marsha Blackburn, viết rằng quan điểm của bà này trong các cuộc biểu quyết tại nghị viện bang "khiến tôi kinh hoàng và khiếp sợ".
"Bà ấy đã biểu quyết chống lại việc trả công bình đẳng cho phụ nữ, bỏ phiếu chống lại Đạo luật Chống bạo lực đối với Phụ nữ. Đây không phải là giá trị Tennessee của tôi", cô nói.
Trong 48 giờ sau khi Swift bày tỏ quan điểm, hơn 169.000 người đăng ký bỏ phiếu trên Vote.org, nhóm phi đảng phái tìm cách tăng tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu, hơn một nửa số đó ở độ tuổi dưới 30. Nhưng cuối cùng, Blackburn vẫn thắng trong cuộc đua vào Thượng viện.
Beyoncé cũng gây chú ý trong bầu cử giữa kỳ khi hậu thuẫn vào phút chót cho chiến dịch tranh cử vào Thượng viện của ứng viên Dân chủ Beto O'Rourke. Nhưng cuối cùng, thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Ted Cruz vẫn giữ vững ghế của mình.
Dù vậy, có một vài lý do để cho rằng sự ủng hộ của giới sao trong mùa bầu cử năm nay sẽ có tác động lớn hơn.
Ngày nay, các ngôi sao có thể kết nối trực tiếp với công chúng qua hình ảnh và video trên mạng xã hội thay vì ra các tuyên bố khô khan. Những nội dung này mang tính cá nhân và có cảm giác gần gũi hơn.
"Có một thứ gọi là 'cảm giác thân tình', và điều đó thực sự đang diễn ra ở đây", Lawrence nói. "Người nổi tiếng kể cho chúng ta nghe về con cái, cuộc sống hoặc những cuộc chia tay của họ, khiến chúng ta cảm thấy như thể chúng ta quen biết và có thể tin tưởng họ".
"Tôi còn biết nhiều điều về Kim Kardashian hơn hiểu về hàng xóm", Lawrence nói. Vì vậy, giả sử Kim Kardashian nói "hãy bỏ phiếu cho Biden", người hâm mộ có thể bị ảnh hưởng, đặc biệt nếu họ không am hiểu chính trị.
Yếu tố thứ hai là nhóm cử tri tiếp nhận thông điệp từ người nổi tiếng. Những người trẻ thường theo dõi giới sao trên mạng xã hội vốn là nhóm cử tri có tỷ lệ đi bỏ phiếu thấp so với các nhóm tuổi khác. Tuy nhiên, họ có xu hướng bầu cho đảng Dân chủ. Trong nhóm cử tri 24-39 tuổi, cứ 10 người thì chỉ có ba người hài lòng về cách làm việc của Trump, theo một nghiên cứu gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew.
"Các nghiên cứu trong 40 năm qua cho thấy tuổi 30 là lúc quan điểm chính trị của mọi người trở nên rõ ràng. Vậy làm thế nào họ đi đến quyết định đó? Họ phải được định hình bởi một điều gì đó", Lawrence nhận xét.
"Và nếu bạn là một người hâm mộ cuồng nhiệt, bạn có thể làm theo lời kêu gọi của những người nổi tiếng", Lawrence nói thêm.
Phương Vũ (Theo BBC)