Thật là sai lầm khi chúng ta đem so sánh nh một bà bán xôi mỗi tháng kiếm 50 triệu với một anh Thạc sĩ mới ra trường kiếm được vài triệu một tháng, rồi vội vàng khẳng định rằng bà bán xôi giỏi hơn cử nhân đại học hay học cao chưa chắc đã tốt hơn không học.
Chúng ta có thể so sánh thực tế hơn giữa hai anh Thạc sĩ cùng học một trường, cùng đạt thành tích giỏi như nhau. Một người ra trường vài năm đã có việc làm ổn định với mức lương cao, trong khi người còn lại vẫn thất nghiệp. Hoặc là một người bán xôi kiếm 50 triệu một tháng, trong khi người bán kế bên chỉ kiếm được vỏn vẹn năm triệu. Như vậy, không có nghĩa rằng chúng ta cứ học Thạc sĩ ra là sẽ làm giàu, hay bắt chước đi bán xôi là sẽ kiếm được 50 triệu đồng mỗi tháng.
Nếu chúng ta học không để làm giàu thì học để làm gì? Theo tôi, học là để tốt cho bản thân và có cơ hội tìm công việc tốt hơn. Chúng ta có thể so sánh chính bản thân mình khi chỉ học hết cấp một và khi chúng ta tốt nghiệp đại học. Khi đó, tư duy, suy nghĩ, cách hành xử trong gia đình và xã hội của chúng ta khi nào sẽ tốt hơn? Điều này tôi nghĩ các bạn đã có câu trả lời.
Có rất nhiều người nói rằng mình là nhà tuyển dụng nhân viên, và trách rằng cách bạn sinh viên mới ra trường không biết gì nhưng đòi lương cao và có tính tự cao, không biết khiêm nhường nên bị loại. Khi các bạn có suy nghĩ như vậy, chứng tỏ các bạn không có tính chuyên nghiệp khi tuyển nhân viên. Phải hiểu rằng công ty cần người như thế nào chứ không phải là người bạn thích.
Công ty bao giờ cũng cần nhân viên làm việc tốt, không phải là người có đức tính tốt. Ví dụ như tôi làm việc trong công ty đa cấp, khi tuyển nhân viên bán hàng đa cấp, tôi sẽ chọn những người càng "nổ" càng tốt, càng lỳ lợm càng có lợi. Và tất nhiên, họ không phải là người thật thà có sao nói vậy. Nếu ở ngoài xã hội, tất nhiên tôi sẽ không chơi với họ, nhưng trong công việc tôi vẫn tôn trọng họ nếu làm tốt công việc được giao.
Có nhiều bạn thắc mắc rằng học Toán, Lý, Hóa nhiều làm gì, trong khi thực tế chẳng bao giờ dùng tới? Điều này chứng tỏ các bạn có suy nghĩ ngắn và chỉ đúng với bản thân. Vì trong xã hội, chúng ta vừa cần những người sống, nhưng chúng ta cũng rất cần những người có khả năng phát triển xã hội. Những người này bao gồm các nhà khoa học, nghiên cứu... những phát minh của họ có thể giúp cho xã hội phát triển hơn. Và tất nhiên, chẳng ai trong số họ chỉ học tới cộng, trừ, nhân, chia.
Ngay từ nhỏ, không phải ai cũng có thể biết rằng mình sẽ trở thành một nhà khoa hoc, hay là một người công nhân. Xã hội sẽ đào tạo chúng ta thông qua trường lớp. Quy tắc đào thải bắt đầu khi chúng ta còn ở trên ghế nhà trường. Một số bỏ ngang từ khi học cấp một vì hoàn cảnh, một số khác tiếp tục nghỉ học khi học hết cấp ba vì nhiều lý do. Và nhóm số ít còn lại tiếp tục học lên đại học và nghiên cứu.
Chung quy lại, học không bao giờ thừa. Học giúp chúng ta biết nhiều thứ nhưng nhiều người lại không nhìn thấy lợi ích đó, hoặc cố chối bỏ tầm quan trọng của việc học.
Các bạn nói rằng, trường học chỉ dạy lý thuyết, không áp dụng cho thực tế. Nhưng lý thuyết không tự nhiên mà có, trước khi đưa vào thành lý thuyết để giảng dạy, người ta đã không ngừng kiểm tra, thử nghiệm để không những đúng mà còn phải an toàn.
Tuy nhiên, sự an toàn này thực tế thường bị bỏ qua vì tốn thời gian và nhiều kinh phí. Nhưng khi xảy ra tai nạn, những người coi thường lý thuyết thường phải chịu trách nhiệm. Một ví dụ đơn giản xảy ra hàng ngày, khi các bạn học lái xe, lý thuyết chỉ ra rằng khi chạy một tốc độ nào đó thì bạn phải giữ khoảng cách an toàn nhất định. Thực tế, rất nhiều người không bao giờ tuân thủ đúng khoảng cách, và khi xảy ra tai nạn chết người, chính các bạn sẽ phải chịu trách nhiệm và có thể dẫn đến tù tội.
>> Bạn nghĩ sao về tư tưởng không học vẫn giàu? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.