Brian Hook, đặc phái viên của Mỹ về Iran, chiều 7/1 có mặt tại Los Angeles để nói về chính sách của Mỹ với Iran. Nhưng vào thời điểm ông lên bục phát biểu, ông đến trễ hơn một giờ vì bận trao đổi qua đường dây bảo mật với các quan chức Mỹ ở Washington, trong đó có sếp Mike Pompeo.
"Người dân Iraq, Lebanon và Iran muốn lấy lại đất nước của mình", Hook nói ngắn gọn sau khi xem tờ giấy nhắn. "Họ mệt mỏi vì Iran không thể ở yên trong biên giới của chính mình. Cảm ơn các bạn".
Sau đó ông lập tức bước nhanh xuống sân khấu. Bộ máy quốc phòng Mỹ bắt đầu quay cuồng hành động.
Vài phút trước, các vệ tinh tình báo Mỹ phát hiện tín hiệu nhiệt từ Iran, cho thấy nước này vừa phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Mỹ biết rằng một cuộc tấn công sắp xảy ra nhờ thông tin từ chính phủ Iraq, bên đã được Iran báo trước.
19h30 ngày 7/1 giờ miền đông Mỹ (rạng sáng 8/1 ở Iraq), thông báo chính thức được đưa ra: Iran đã phóng hơn một chục tên lửa đạn đạo vào hai căn cứ Mỹ đồn trú ở Iraq, 5 ngày sau khi Mỹ không kích hạ sát tướng Iran Qassem Soleimani.
Trong vòng một giờ sau cuộc tập kích, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence báo tin cho các lãnh đạo quốc hội thuộc phe Dân chủ Nancy Pelosi và Chuck Schumer. Trong khi đó, các lãnh đạo đảng Cộng hòa được Trump trực tiếp thông báo.
Tại Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper gặp Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley và các quan chức cấp cao. Văn phòng của Esper cố gắng liên lạc với Thủ tướng Iraq Adil Abdul al-Mahdi, người vài ngày trước đó chỉ trích kịch liệt vụ hạ sát Soleimani.
Khi đó là khoảng 3h sáng tại Baghdad, ban đầu đội ngũ của Esper không thể kết nối với điện thoại văn phòng của Mahdi. Họ đã gọi cho đại sứ Iraq ở Washington và ông giúp hai bên liên lạc.
Esper, Milley và Pompeo đến Nhà Trắng cách nhau vài phút và cùng nhau vào Cánh Tây. Một nhóm quan chức cấp cao cùng Trump tập trung tại Phòng Tình huống. Ngoài Pence, Pompeo, Esper và Milley còn có Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O'Brien, quyền Giám đốc Tình báo Quốc gia Joseph Maguire, quyền chánh văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney, cố vấn Nhà Trắng Pat Cippolone và thư ký báo chí Stephanie Grisham. Giám đốc CIA Gina Haspel tham gia cuộc họp từ xa.
Mục tiêu đầu tiên của cuộc họp khẩn là xác định liệu có người Mỹ thiệt mạng sau đòn tập kích hay không. Một thượng nghị sĩ đã trò chuyện với Trump cho biết chỉ cần có một người Mỹ thiệt mạng, Tổng thống cũng sẽ sẵn sàng tấn công các cơ sở của Iran.
Mặc dù phương án tấn công đáp trả Iran được nêu ra trong phòng họp, họ quyết định chờ cho đến khi có thêm thông tin. Bằng chứng ban đầu cho thấy không có người Mỹ nào thiệt mạng nhưng cần có thêm thời gian để xác nhận.
Các quan chức Mỹ ngạc nhiên khi thấy Iran phóng rất ít tên lửa, dù sở hữu kho vũ khí hàng nghìn quả. Điều này khiến họ cảm thấy bình tĩnh mặc dù đang trong bầu không khí căng thẳng. Trước đó, nhiều quan chức đã nhận định đòn trả đũa của Iran sẽ nghiêng về gửi thông điệp hơn là giết người Mỹ.
Trong vài giờ sau cuộc tấn công, Trump nói rằng ông muốn có một bài phát biểu và bắt đầu vạch ra các ý. Khi Trump và các cố vấn tiếp tục họp trong Phòng Tình huống, Stephen Miller, người viết diễn văn chính của Tổng thống và các trợ lý tất bật soạn bài phát biểu.
Trong vài ngày trước đó, các quan chức hàng đầu Nhà Trắng đã tiếc nuối vì Trump không phát biểu ngay sau vụ hạ sát Soleimani và lo lắng ông đã bỏ lỡ cơ hội để định hình câu chuyện theo hướng có lợi cho mình. Ngay sau cuộc tấn công, con rể kiêm cố vấn Jared Kushner đã thúc giục Trump phát biểu nhưng việc này bị trì hoãn.
Tại quốc hội, các lãnh đạo đảng Cộng hòa được Nhà Trắng cập nhật thông tin liên tục. Họ có lập trường chung rằng đây là thời điểm để xuống thang căng thẳng. Cuối cùng, các quan chức Nhà Trắng cho biết Trump sẽ không phát biểu trên truyền hình vào tối 7/1. Nhiều nghị sĩ thở phào nhẹ nhõm vì cho rằng chính quyền cần tiếp tục nghe ngóng tình hình trước khi ra quyết định.
Khoảng 21h, Trump gọi điện cho một số nghị sĩ Cộng hòa, bao gồm Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện James Inhofe. Inhofe cho biết Tổng thống có tâm trạng "rất, rất tích cực" và sẵn sàng đàm phán với Iran. Inhofe nói với Tổng thống đây là cơ hội không phải chỉ để xuống thang căng thẳng mà còn để bắt đầu đàm phán.
Vào 21h45, Trump viết trên Twitter: "Tất cả đều ổn! Tên lửa được phóng từ Iran vào hai căn cứ quân sự ở Iraq. Chúng tôi đang đánh giá thương vong và thiệt hại. Chúng ta có quân đội hùng mạnh nhất và được trang bị tốt nhất ở bất cứ đâu trên thế giới! Tôi sẽ đưa ra tuyên bố vào sáng mai".
Nhưng buổi tối hôm đó vẫn chưa kết thúc.
Từ tối 7/1 đến sáng 8/1 theo giờ Mỹ, Tehran liên lạc với Washington qua ít nhất ba kênh, gồm Thụy Sĩ và các quốc gia khác. Thông điệp từ Iran rất rõ ràng: Đây là đòn trả thù duy nhất, giờ họ sẽ chờ xem Mỹ phản ứng thế nào.
Mỹ đáp lại rằng họ biết Iran kiểm soát các lực lượng ủy nhiệm trong khu vực, gồm Hezbollah. Iran trả lời họ không chịu trách nhiệm với những lực lượng đó nhưng Mỹ nói rõ rằng họ không tin lập luận này.
Khoảng 1h ngày 8/1, đánh giá chính thức được đưa ra, xác nhận không có thương vong trong cuộc tập kích. Đội ngũ an ninh quốc gia của Trump làm việc suốt đêm tại Nhà Trắng, đưa ra các phương án phản ứng, bao gồm kế hoạch trừng phạt Iran.
Sáng 8/1, họ họp lại với Tổng thống. Đó là thời điểm Trump ra quyết định cuối cùng rằng phản ứng của Mỹ sẽ là các biện pháp trừng phạt. Phương án tiếp tục leo thang căng thẳng đã bị loại bỏ.
"Họ đã lùi bước, nên chúng ta cũng lùi lại", một quan chức chính quyền cấp cao nói.
Trump sau đó chỉnh sửa bản thảo bài phát biểu, một số phụ tá gồm Esper, Pompeo và Milley cũng giúp ông. Mặc dù Nhà Trắng thông báo Trump sẽ phát biểu vào 11h, các cố vấn tiếp tục điều chỉnh diễn văn, khiến sự kiện bị trì hoãn gần 30 phút.
Khi các phóng viên tập trung tại Nhà Trắng, các quan chức an ninh quốc gia hàng đầu của Trump đứng hai bên bục phát biểu. Cánh cửa gỗ phía sau mở ra và Trump xuất hiện.
"Iran có vẻ đã xuống nước, đó là điều tốt đẹp cho tất cả các bên liên quan và là điều rất tốt cho thế giới", ông nói.
Phương Vũ (Theo CNN)