Quan hệ Mỹ và Iran đã trải qua nhiều thăng trầm trong gần 70 năm qua, tùy theo chính sách can dự vào Trung Đông của các đời tổng thống Mỹ, trong đó không ít lần hai bên lâm vào khủng hoảng. Trong những cuộc khủng hoảng như vậy, lãnh đạo Iran luôn thể hiện sự bình tĩnh trong đối sách với Mỹ, cựu đại sứ Việt Nam tại Iran Nguyễn Hồng Thạch nói với VnExpress.
Theo cựu đại sứ Thạch, khi Tổng thống Mỹ Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc vào tháng 5/2018, Iran vẫn không lập tức từ bỏ thỏa thuận này. Các lãnh đạo Iran lúc đó vẫn cố gắng thuyết phục các quốc gia còn lại, đặc biệt là châu Âu, nỗ lực duy trì thỏa thuận.
Tuy nhiên, khi tướng Qassem Soleimani bị quân đội Mỹ không kích hạ sát hôm 3/1, làn sóng đòi trả thù dâng cao khắp Iran. Hàng triệu người đổ xuống đường dự lễ tang của tướng Soleimani, vẫy cờ đỏ đòi báo thù và hô vang các khẩu hiệu chống Mỹ. Trước làn sóng sục sôi đó, các lãnh đạo theo đường lối cứng rắn lẫn ôn hòa của Iran đều đứng trước tình thế khó khăn.
Vụ sát hại tướng Soleimani đã tạo thay đổi lớn trong cục diện chính trị ở Iran, khi phe ôn hòa, với những quan chức tiêu biểu như Ngoại trưởng Javad Zarif sẽ bị giảm ảnh hưởng, trong khi phe "chủ chiến" có tiếng nói mạnh mẽ hơn.
Tehran không thể tiếp tục duy trì chiến lược "bình tĩnh" như trước đây mà buộc phải tung đòn tấn công để không bị mất mặt với thế giới, cũng như để xoa dịu phản ứng của dư luận cùng quan điểm cứng rắn đang lên ở trong nước.
Tuy nhiên, dù theo quan điểm nào, các lãnh đạo Iran cũng phải đứng trước bài toán rất khó khăn, đó là tránh có những hành động quyết liệt đến mức châm ngòi cho một cuộc chiến tranh toàn diện với Mỹ, vốn không mang lại lợi ích cho Iran.
Theo ông Thạch, nếu Iran kiên quyết đáp trả Mỹ mạnh mẽ, căng thẳng leo thang thành chiến tranh thì Tehran sẽ đẩy cộng đồng quốc tế ra xa, không nhận được sự ủng hộ. "Cộng đồng quốc tế sẽ coi Iran có trách nhiệm ngang Mỹ khi chiến tranh nổ ra", ông nói.
Cuối cùng, Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) rạng sáng ngày 8/1 phóng nhiều tên lửa đạn đạo vào hai căn cứ quân sự có lính Mỹ đồn trú tại Ain al-Asad và Irbil ở Iraq. Iran tuyên bố cuộc tấn công là hành động trả thù cho tướng Soleimani và để thực hiện quyền "tự vệ" theo Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Iran dùng tên lửa tấn công trực diện lực lượng Mỹ ở Trung Đông. "Việc Iran tấn công các căn cứ của Mỹ ở Iraq cho thấy Iran không ngại chơi trực tiếp với Mỹ", cựu đại sứ Thạch nhận định.
Tuy nhiên, các nhà phân tích quốc tế cho rằng Iran đã có những tính toán khôn ngoan khi cố ý lựa chọn hai căn cứ ở nơi hẻo lánh và có ít lực lượng Mỹ đồn trú để tấn công. Các tên lửa đạn đạo Iran chủ yếu rơi xuống khu nhà chứa máy bay và đường băng, cách xa địa điểm ẩn náu của lính Mỹ và không gây thương vong về người.
Việc Iran lựa chọn tên lửa đạn đạo thay vì tên lửa hành trình hay máy bay không người lái để tấn công dường như cũng nằm trong tính toán của các lãnh đạo Tehran. Tên lửa đạn đạo có quỹ đạo bay rất cao, dễ bị radar phát hiện và cảnh báo trước cho các lực lượng Mỹ ở căn cứ xuống hầm trú ẩn.
Cựu đại sứ Việt Nam cho biết khi hai căn cứ của Mỹ ở Iraq không bị thiệt hại lớn, Washington sẽ không leo thang căng thẳng. Tổng thống Mỹ Donald Trump sau cuộc tập kích đã họp khẩn với các quan chức Nhà Trắng nhưng không đưa ra phản ứng ngay lập tức.
"Việc Tổng thống Mỹ chưa đưa ra ngay quyết định trả đũa Iran chứng tỏ ông còn chần chừ, lo ngại chiến tranh mở rộng xảy ra", cựu đại sứ nhận định.
Trump cũng thể hiện rõ thông điệp này trong bài phát biểu hôm qua ở Nhà Trắng, khi khẳng định cuộc tập kích chỉ gây thiệt hại tối thiểu về cơ sở hạ tầng, không làm thương vong lính Mỹ và ông sẵn sàng hòa bình với Iran.
Đại sứ Thạch cho rằng nếu căng thẳng hai bên không được kiểm soát và làm bùng nổ chiến tranh, Washington có nguy cơ gánh thiệt hại lớn vì vũ khí của Mỹ khó phát huy tác dụng ở địa hình Iran, chủ yếu là đồi núi, không phải đồng bằng như Iraq. Các căn cứ của Mỹ ở khu vực Trung Đông cũng nằm trọn trong tầm bắn của tên lửa Iran.
Mỹ cũng có thể mất chỗ đứng ở Iraq khi quốc hội nước này ngày 5/1 đã thông qua nghị quyết yêu cầu chấm dứt sự hiện diện của quân đội nước ngoài. Nga và Trung Quốc có thể "lấp chỗ trống" của Mỹ ở Iraq, giống như ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Tại Syria, phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có nguy cơ trỗi dậy trở lại sau khi tướng Soleimani bị hạ sát. Ông Soleimani là người có nhiều kinh nghiệm trong hỗ trợ Syria chống IS và lực lượng chống chính phủ. Chiến tranh Mỹ - Iran cũng sẽ tác động mạnh đến đời sống của dân thường ở Trung Đông. Giá vàng, giá dầu tăng cao làm ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu.
"Iran và Mỹ chỉ có thể dừng chiến tranh nếu một bên cảm thấy mình chiến thắng", ông Thạch nói.