Cố vấn Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Anton Geraschenko ngày 13/8 nói vụ nổ tại sân bay quân sự Saki trên bán đảo Crimea hồi đầu tuần khiến 60 phi công và kỹ thuật viên Nga thiệt mạng, 100 người bị thương.
Ông Geraschenko cho biết phía Ukraine đưa ra ước tính thương vong trong vụ nổ dựa trên video và dữ liệu tình báo, song không công bố thêm thông tin chi tiết.
Nga chưa bình luận về con số thương vong do quan chức Ukraine đưa ra.
Bộ Quốc phòng Nga ngày 9/8 cho biết kho bom đạn tại sân bay Saki phát nổ, gây ra loạt vụ nổ lớn, không phải do hỏa lực Ukraine. Cơ quan này thông báo "vi phạm nguyên tắc an toàn phòng cháy chữa cháy là nguyên nhân gây ra các vụ nổ" khiến một người thiệt mạng và 5 người bị thương.
Giới chuyên gia phương Tây chưa đưa ra ước tính về thương vong trong vụ nổ tại sân bay Saki, phần lớn đang tập trung đánh giá thiệt hại về khí tài của Nga.
Ảnh vệ tinh của Planet Labs cho thấy dường như ít nhất 8 máy bay quân sự bị phá hủy, 4 hố lớn với kích thước tương đồng ở khu đậu máy bay, trong khi kho đạn chính và bãi tập kết vũ khí không chịu thiệt hại.
Một quan chức Ukraine tuyên bố vụ nổ là kết quả của "một đợt tiến công của du kích ủng hộ quân đội Ukraine" trên lãnh thổ Nga kiểm soát. Tuy nhiên, giới chức Ukraine chưa công bố chi tiết vụ nổ diễn ra thế nào, cũng như giải thích rõ lực lượng nước này liên quan ra sao.
Trong báo cáo công bố ngày 12/8, Bộ Quốc phòng Anh nhận định ít nhất 5 tiêm kích bom và ba tiêm kích đa nhiệm "gần như chắc chắn bị phá hủy hoặc hư hại" trong loạt vụ nổ. Cơ quan này nhận định nguyên nhân xuất phát từ vụ nổ tại 4 khu vực tập kết bom đạn không được che chắn.
Bộ Quốc phòng Anh cũng đánh giá vụ nổ làm "giảm đáng kể năng lực tác chiến trên không của Hạm đội Biển Đen" dù căn cứ Saki vẫn hoạt động. Vụ nổ khả năng cao khiến quân đội Nga phải đánh giá lại các nguy cơ.
Nga và Ukraine tiếp tục cáo buộc lẫn nhau tập kích nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, cảnh báo nguy cơ xảy ra thảm họa hạt nhân tại đây. Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia cảnh báo thế giới đang bị đẩy "tới bờ vực của thảm họa hạt nhân" tương đương sự cố Chernobyl năm 1986.
Phía Nga cáo buộc lực lượng Ukraine liều lĩnh pháo kích nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Trong khí đó, Ukraine khẳng định lực lượng Nga tấn công nhà máy mà họ kiểm soát, đồng thời dùng cơ sở làm lá chắn khi pháo kích các thị trấn và thành phố Ukraine kiểm soát gần cơ sở này.
Các nước phương Tây kêu gọi Nga rút quân khỏi nhà máy điện Zaporizhzhia, trong khi LHQ đề nghị đưa cơ sở này thành khu phi quân sự. Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu cho thấy Nga sẽ rút quân khỏi nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.
Các chiến tuyến chính ở Ukraine những tuần qua gần như không thay đổi, song giao tranh leo thang sau khi giới chức Ukraine đề cập tới chiến dịch phản công ở miền nam.
Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine ngày 12/8 báo cáo các cuộc pháo kích và không kích diện rộng của Nga nhằm vào nhiều thị trấn và căn cứ quân sự, đặc biệt là khu vực miền đông.
Bộ Quốc phòng Nga ngày 12/8 cho biết không quân nước này triển khai đợt tấn công chính xác vào vị trí của lữ đoàn cơ giới số 56 Ukraine gần Opytnoye và Nevelskoye, tỉnh Donetsk, khiến đơn vị này mất hơn 70% nhân lực. Tiểu đoàn số ba thuộc lữ đoàn cơ giới số 66 Ukraine, đóng gần Marinka, tỉnh Donetsk, chịu thiệt hại hơn 50% nhân lực.
Lực lượng Nga cũng tập kích 5 chỉ huy sở, trong đó có lữ đoàn xe tăng số 4 đóng gần Zaliman, tỉnh Kharkov và lữ đoàn phòng thủ lãnh thổ số 103 đóng gần Nikolaevka, tỉnh Donetsk. Không quân Nga phá hủy một radar phản pháo AN/MPQ-64 do Mỹ sản xuất và cung cấp cho Ukraine gần Chasov Yar, tỉnh Donetsk.
Giới quân sự phương Tây nhận định đà tiến của lực lượng Nga và phe ly khai ở miền đông Ukraine đang chậm lại do họ "hứng thương vong nặng nề". Hai quan chức Mỹ ước tính 20.000 người thuộc lực lượng Nga thiệt mạng, trong số đó 5.000 người được cho là "lính đánh thuê" của công ty an ninh tư nhân Wagner.
Các quan chức Mỹ cho biết họ đưa ra ước tính thương vong của lực lượng Nga dựa trên "ảnh vệ tinh, các đoạn liên lạc bị chặn thu, mạng xã hội và bản tin thực địa".
Tốc độ tiến quân của Nga tại miền đông Ukraine càng chậm lại sau khi Ukraine triển khai các tổ hợp pháo phản lực do Mỹ sản xuất HIMARS tại đây. Với tầm bắn 80-90 km, loại khí tài này cho phép lực lượng Ukraine tái kiểm soát một số khu vực, đồng thời khiến lực lượng Nga khó tiếp cận nhiều nơi khác.
Các quan chức Mỹ đánh giá các đơn vị của Nga ngày càng khó gây sức ép khi "thương vong của họ đang ở mức cao". Họ cũng nhận định khi Ukraine mở đợt phản công nhằm tái kiểm soát lãnh thổ ở miền nam, Nga có thể phải điều động thêm quân tới đây củng cố hàng phòng ngự.
Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR) ghi nhận hơn 5.400 người thiệt mạng và gần 7.500 người bị thương kể từ khi xung đột nổ ra ở Ukraine. Con số thực tế có thể cao hơn do tình hình chiến sự gây cản trở quá trình xác minh và thống kê.
Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn (UNHCR) báo cáo hơn 10,6 triệu lượt người rời Ukraine và hơn 4,5 triệu lượt người từ nước ngoài vào Ukraine trong gần 6 tháng xung đột. Cơ quan này ghi nhận hơn 6,3 triệu người tị nạn Ukraine trên khắp châu Âu.
Nguyễn Tiến (Theo NY Times, Reuters, Zvezda)