Thông tin trên được Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu tại họp báo Chính phủ thường kỳ về kinh tế xã hội tháng 4 và bốn tháng đầu năm, ngày 5/5.
Ông cho biết tỷ giá thời gian qua được điều hành linh hoạt, thanh khoản thị trường thông suốt. Từ đầu tháng 4 đến nay, tỷ giá giao dịch trên thị trường tiếp tục giảm và ổn định quanh mức 23.450 đồng một USD. Nhờ đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua ròng ngoại tệ từ các ngân hàng. Lũy kế bốn tháng đầu năm, cơ quan này đã mua gần 4,9 tỷ USD từ các tổ chức tín dụng. Số này tăng gần một tỷ USD so với dữ liệu đến hết quý I.
Trước đó, theo đánh giá của Công ty Chứng khoán BIDV, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu mua vào ngoại tệ từ tháng 1 năm nay. Tính riêng tháng đầu năm, khoảng 2,78 tỷ USD được nhà điều hành mua vào, nâng dự trữ ngoại hối lên gần 91,8 tỷ USD.
Dự báo của các chuyên gia từ Công ty Chứng khoán VNDirect cũng cho biết dự trữ ngoại hối của Việt Nam có thể phục hồi, đạt mức 102 tỷ USD vào cuối năm nay.
Diễn biễn này trái ngược với năm ngoái khi Ngân hàng Nhà nước đã phải bán một lượng lớn dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá, ước khoảng 20% dự trữ ngoại hối. Điều này đã khiến dự trữ ngoại hối của Việt Nam giảm xuống dưới mức khuyến nghị của IMF (thấp hơn 3 tháng nhập khẩu).
Việc cải thiện dự trữ ngoại hối những tháng đầu năm nay, theo các chuyên gia, Ngân hàng Nhà nước có thể chuyển ưu tiên sang ổn định lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Bởi khi mua vào dự trữ ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước sẽ bơm thanh khoản tiền đồng ra thị trường nhằm hạ nhiệt mặt bằng lãi suất.
Theo ông Dũng, lãi suất thị trường đang dần ổn định, nhiều ngân hàng hạ 0,1-0,5% một năm với lãi tiền gửi. Bình quân lãi suất cho vay là 9,56% một năm, giảm 0,41% so với cuối 2022.

Giao dịch ngoại tệ tại một ngân hàng thương mại cổ phần, tháng 11/2022. Ảnh: Thanh Tùng
Người đứng đầu Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng cho biết kinh tế vĩ mô bốn tháng đầu năm cơ bản ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,84% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức này giảm so với quý I (4,18%) và hai tháng đầu năm (4,6%). Lạm phát cơ bản tháng 4 tăng 4,56% so cùng kỳ 2022. Bình quân bốn tháng qua, chỉ số này tăng 4,9%, cao hơn CPI bình quân chung (3,84%).
Cũng theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, nhờ những động thái tích cực gỡ khó từ các cấp ngành, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp chuyển biến bước đầu. Đây là tín hiệu tích cực tạo đà cho phục hồi thời gian tới.
Lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp 4 tháng đầu năm giảm hơn 67% so với cùng kỳ, đạt 25.700 tỷ đồng. Các doanh nghiệp đã mua lại 24.300 tỷ đồng trái phiếu trước hạn. Một số doanh nghiệp đã đàm phán với nhà đầu tư để kéo dài kỳ hạn hoặc chuyển khoản nợ sang tài sản khác. Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đến 21/4 khoảng 1,13 triệu tỷ đồng, gần 12% GDP năm 2022.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, sản xuất kinh doanh vẫn đối mặt nhiều khó khăn do ảnh hưởng tác động từ bên ngoài. Những yếu tố này gây sức ép lên điều hành kinh tế vĩ mô.
Số liệu của cơ quan thống kê cho thấy xuất nhập khẩu 4 tháng giảm hơn 15% so cùng kỳ năm trước, đạt trên 102 tỷ USD. Bốn tháng qua, Việt Nam ghi nhận xuất siêu 6,35 tỷ USD (phần lớn do khu vực vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu hơn 14 tỷ USD, còn kinh tế trong nước nhập siêu hơn 8 tỷ USD).
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 4 ước tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 0,5% so với cùng kỳ 2022. Nhưng tính chung bốn tháng, chỉ số này vẫn giảm 1,8% (năm 2022 tăng 7,8%).
"Kinh tế vẫn đối diện không ít rủi ro, biến động phức tạp, khó lường từ phục hồi chậm của các đối tác thương mại lớn; áp lực lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao hay xu hướng tiếp tục thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia để kiềm chế lạm phát", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận xét.
Tuy vậy, ông Dũng cho rằng Việt Nam có nhiều triển vọng cải thiện tốc độ tăng trưởng qua thúc đẩy đầu tư công, tiêu dùng, du lịch, cũng như tận dụng xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4, ngày 5/5. Ảnh: VGP
Để ổn định vĩ mô, đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm nay, kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ ngành "điều hành với quyết tâm cao, có trọng tâm, trọng điểm".
Các địa phương sớm lập Tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND làm Tổ trưởng, trực tiếp tháo gỡ khó khăn các dự án.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề xuất chương trình thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế. Bộ này cũng cần sớm trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị quyết về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng trong tình hình mới.
Bộ Tài chính cùng Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT); đẩy nhanh hoàn thuế VAT.
Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động; chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho sản xuất kinh doanh để tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, người dân.
Bộ Công thương thúc đẩy phục hồi, phát triển sản xuất công nghiệp; tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu mới.
Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung các quy định về phân cấp thẩm định công trình các dự án đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thẩm định, cấp phép xây dựng các dự án. Bộ này được giao cùng các địa phương phân loại, đánh giá và có phương án xử lý từng dự án bất động sản.
Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thành các dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; khởi công các dự án mới.