Hôm 12/6, UBS thông báo hoàn tất việc tiếp quản đối thủ Credit Suisse. Đây là vụ sáp nhập lớn nhất ngành ngân hàng thế giới kể từ sau khủng hoảng tài chính 2008. Thương vụ cũng tạo ra một gã khổng lồ ngân hàng Thụy Sĩ với quy mô tài sản 1.700 tỷ USD và 120.000 nhân viên trên toàn cầu.
Sau khi sáp nhập, UBS Group sẽ quản lý hai công ty riêng biệt là UBS và Credit Suisse. Quá trình tích hợp hai nhà băng dự kiến kéo dài 3-4 năm. Trong thời gian này, cả hai vẫn sẽ có chi nhánh riêng, làm việc với các khách hàng và đối tác riêng.
Giới chức tài chính Thụy Sĩ (FINMA) bình luận việc hoàn tất tiếp quản "đã đem đến sự minh bạch và bình ổn cho cả hai ngân hàng". Đây là dự án có tầm quan trọng cấp quốc gia với Thụy Sĩ, do nền kinh tế này phụ thuộc lớn vào ngành tài chính.
UBS hồi tháng 3 đồng ý tiếp quản Credit Suisse với giá hơn 3 tỷ USD, thông qua sự sắp xếp khẩn cấp của chính phủ Thụy Sĩ. Credit Suisse khi đó rơi vào khủng hoảng niềm tin và bị khách hàng rút tiền hàng loạt. Giới chức Thụy Sĩ lo ngại Credit Suisse – một trong 30 ngân hàng quan trọng nhất thế giới - sụp đổ, châm ngòi cho khủng hoảng tài chính toàn cầu.
"Đây là sự khởi đầu của một chương mới, với cả UBS và ngành tài chính toàn cầu", CEO UBS Sergio Ermotti và Chủ tịch UBS Colm Kelleher cho biết trong một bức thư gửi báo giới hôm 12/6.
Tiếp quản Credit Suisse sẽ khiến UBS phát sinh rất nhiều chi phí. Tháng trước, UBS ước tính họ sẽ thiệt hại 17 tỷ USD từ việc này. Trong đó có 13 tỷ USD từ việc điều chỉnh lại giá trị tài sản của Credit Suisse và 4 tỷ USD chi phí pháp lý, hành chính.
Dù vậy, giới phân tích cho rằng những lợi ích UBS nhận được cũng không hề nhỏ. Nhờ tiếp quản Credit Suisse, quy mô mảng quản lý tài sản của UBS lên 5.000 tỷ USD chỉ sau một đêm. Họ cũng sẽ trở thành cái tên dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực quản lý tài sản cho người giàu. Đây là mảng UBS tập trung phát triển sau khủng hoảng tài chính 2008.
Họ vốn đang là nhà băng dẫn đầu mảng này tại Trung Quốc. Vì thế, vai trò của UBS tại các nước còn lại ở châu Á sẽ càng được củng cố khi sáp nhập Credit Suisse.
Riêng tại Thụy Sĩ, tổng tài sản của hai ngân hàng này hiện gấp đôi GDP đất nước. Lượng tiền gửi cũng tương đương 45% GDP. Đây là con số khổng lồ, kể cả với quốc gia có tài chính công vững chắc và mức nợ thấp như Thụy Sĩ.
UBS cũng sẽ nhận thêm mảng kinh doanh nội địa đang sinh lời tốt của Credit Suisse. Giới phân tích cho rằng riêng giá trị mảng này đã cao gấp 3 lần mức giá UBS trả cho cả thương vụ mua Credit Suisse.
Ngoài ra, UBS cũng sẽ loại bỏ được một đối thủ trong mảng giao dịch chứng khoán. Năm ngoái, UBS kiếm được 7,1 tỷ USD từ mua bán trái phiếu, cổ phiếu và tiền tệ. Mảng này đem về cho Credit Suisse 3,2 tỷ USD.
UBS còn dự kiến có khoản lợi nhuận lên tới 34,8 tỷ USD do mua Credit Suisse với giá thấp hơn nhiều giá trị sổ sách. Bộ đệm tài chính này sẽ giúp họ bù vào các khoản lỗ tiềm tàng và làm tăng lợi nhuận trong quý II.
UBS cũng thừa nhận có thể tiết kiệm hàng tỷ USD từ việc hợp nhất chi phí của hai nhà băng, chủ yếu nhờ cắt giảm nhân sự. Vụ sáp nhập có thể khiến hàng chục nghìn người mất việc, bao gồm cả ở New York và London – nơi UBS dự định chỉ giữ lại một phần mảng ngân hàng đầu tư của Credit Suisse.
Nhà băng này còn nhận được sự hỗ trợ lớn từ giới chức. Cuối tuần trước, chính phủ Thụy Sĩ đồng ý chịu khoản lỗ 9 tỷ franc (10 tỷ USD) phát sinh từ việc giải cứu Credit Suisse. Đây là rào cản lớn cuối cùng để hoàn tất sáp nhập, giúp UBS duy trì được niềm tin của thị trường trong quá trình chuyển dịch. UBS cũng sẽ được tiếp cận hạn mức vay lớn từ Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ.
Các lãnh đạo UBS sẽ còn rất nhiều việc phải làm với thương vụ phức tạp này, đặc biệt là với quyết định giữ lại, thay thế hay loại bỏ mảng nào, nhân sự nào. Dù vậy, họ vẫn tỏ ra lạc quan.
Tháng 4, Ermotti khẳng định trên CNBC rằng thương vụ với Credit Suisse không rủi ro và sẽ tạo ra nhiều lợi ích trong dài hạn. Kelleher cũng cho biết trong ĐHCĐ UBS hồi tháng 4: "Dù không phải là người khởi xướng, chúng tôi tin rằng thương vụ này hấp dẫn về mặt tài chính với các cổ đông UBS. Tôi tin rằng chúng ta đã có quyết định đúng đắn".
Hà Thu (theo Bloomberg, Reuters)