Trả lời:
Ngải bún được sử dụng như một loại gia vị phổ biến trong các món bún đặc sản của người dân miền Tây như bún nước lèo, bún cá, bún mắm... bởi mùi vị nhẹ nhàng và đặc trưng giúp khử mùi tanh và tạo hương vị riêng không dễ lẫn lộn. Ngải bún được sử dụng rất nhiều tại các tỉnh miền Tây, đặc biệt các tỉnh có cộng đồng người Khmer sinh sống như Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, An Giang và một số huyện giáp Campuchia của Long An.
Ngải bún là một cây họ gừng có tên khoa học là Boesenbergia pandurata Roxb. Schlecht, đồng danh là Boesenbergia rotunda Linn. Mansft, phân bố chủ yếu ở Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á. Thân rễ dưới đất ngắn và phân thành nhiều nhánh có hình giống ngón tay xuất phát từ một thân rễ trung tâm, vì vậy còn có tên gọi là "rễ ngón tay" (fingerroot).
Dược liệu ngải bún đã được sử dụng như một gia vị truyền thống trong nền ẩm thực của Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á, đặc biệt là Thái Lan, Indonesia và các tỉnh miền tây Việt Nam. Ngoài ra, nó còn được sử dụng trong nền y học cổ truyền của các nước này để điều trị các bệnh như: tiêu chảy, lỵ, đau dạ dày, viêm da, ho khan, u xơ, huyết trắng...
Các tài liệu nghiên cứu cho thấy thân rễ ngải bún có thành phần hóa học chủ yếu là tinh dầu và các hợp chất flavonoid. Các flavonoid có mặt trong dược liệu rất đa dạng về mặt cấu trúc, có thể phân vào các nhóm như chalcon, flavon và flavanon với một số hợp chất tiêu biểu như: cardamonin, panduratin A, isopanduratin A, tectochrysin, pinocembrin...
Ngải bún có rất nhiều tác dụng dược lý khác nhau như kháng khuẩn, kháng viêm, giảm đau, hạ sốt, kháng khối u, gây độc trên một số dòng tế bào ung thư, đặc biệt là ung thư tụy. Ngoài ra, ngải bún có tác dụng khá đặc biệt là khả năng kháng virus trong thử nghiệm, đã được thử nghiệm trên các chủng HIV-1 và Dengue virus (DENV) gây bệnh sốt xuất huyết qua cơ chế ức chế protease. Protease là nhóm enzym thủy phân có khả năng cắt mối liên kết peptide (-CO~NH-) trong các phân tử.
Một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm gần đây của Thái Lan cho thấy cao chiết ngải bún và panduratin A được chiết từ thân rễ của nó có tác dụng kháng nCoV trên cả hai giai đoạn: ức chế bám và xâm nhập tế bào cũng như ức chế sự nhân lên của virus sau khi xâm nhập tế bào. Đây có thể là nguyên nhân cơ bản dẫn đến những lời đồn thổi lan truyền trong cộng đồng về tác dụng kháng nCoV của ngải bún.
Các chứng cứ ở trên cho thấy ngải bún có thể là một ứng viên "tiềm năng" trong phát triển những loại thuốc dược liệu có tác dụng kháng nCoV. Tuy nhiên, nguồn dữ liệu về tác dụng này còn rất hạn chế, mới dừng lại ở nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, hoàn toàn chưa có nghiên cứu lâm sàng. Vì vậy, mọi người có thể sử dụng ngải bún như một loại gia vị hay một thảo dược với các công dụng đã được dùng từ trước đến nay. Nếu sử dụng làm thuốc cần có liều lượng và theo chỉ định của chuyên gia.
Người dân đừng nên đổ xô tìm kiếm ngải bún với mục đích điều trị Covid-19. Điều này tạo điều kiện cho một số người thu gom, buôn bán và nâng giá một cách thái quá, là nguy cơ dẫn đến việc tiệt chủng loài dược liệu này.
Tiến sĩ, Dược sĩ Nguyễn Thành Triết
Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM Cơ sở 3