Ông Đỗ Văn Dũng, trưởng phòng Nghiệp vụ dược, Sở Y tế, cho biết như trên tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phát triển y học cổ truyền TP HCM, chiều 26/1.
Theo ông Dũng, so với y học hiện đại, y học cổ truyền gặp nhiều khó khăn hơn. Trong đó, các bác sĩ y học cổ truyền chưa được quan tâm đào tạo nâng cao sau đại học, đào tạo chuyên ngành; chế độ đãi ngộ còn bất cập. Hiện chưa có quy định thời lượng và khối lượng tối thiểu cập nhật kiến thức chuyên môn cho cán bộ y tế duy trì chứng chỉ hành nghề. Nhiều lương y, lương dược, kỹ thuật viên ở tuyến cơ sở chưa nắm vững kiến thức cơ bản về lý luận y học cổ truyền.
Thành phố cũng thiếu cán bộ chuyên trách quản lý về y học cổ truyền. Cơ sở vật chất, trình độ chuyên môn các khoa y học cổ truyền chưa đáp ứng yêu cầu điều trị của người dân. Tỷ lệ sử dụng thuốc y học cổ truyền vẫn còn thấp.
Bên cạnh đó, TP HCM là đô thị, quỹ đất hạn hẹp, nguồn dược liệu để điều trị, sản xuất bị hạn chế. Thành phố phải liên kết với các vùng trồng dược liệu chuyên canh trên khắp cả nước. Nguồn cung không đủ, vẫn lệ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu, từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan..., thậm chí từ cả đường không chính ngạch.
Ông Dũng cho rằng một số bài thuốc quý đang đứng trước nguy cơ thất truyền, bởi bài thuốc sản xuất thủ công theo bí quyết gia truyền của mỗi gia đình, dòng tộc, mang tính chất nhỏ lẻ. Nếu muốn bảo tồn và phát triển lâu dài, bài thuốc phải sản xuất nhân rộng theo tiêu chuẩn GPM. Trong khi đó, chỉ công ty dược phẩm được cấp phép mới đạt chuẩn này. Hành lang pháp lý để bảo hộ quyền sở hữu cho các gia đình lại chưa rõ ràng.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Hữu Vinh, Phó Chủ tịch Hội đông y TP HCM, nêu lên vướng mắc khi áp dụng Thông tư 29, ban hành năm 2015 của Bộ Y tế về việc cấp lại giấy chứng nhận Lương y. Thông tư này chỉ công nhận lương y cho 6 loại đối tượng. Hiện thành phố còn hơn 500 người đã qua đào tạo nhưng nằm ngoài quy định, không được cấp giấy chứng nhận là lương y. Họ không thể xin được chứng chỉ hành nghề. Thành phố trước có hơn 1.000 phòng chẩn trị y học cổ truyền, nay chỉ còn 500 phòng.
Từ năm 2015, 100% bệnh viện tại TP HCM có khoa Y học cổ truyền, vượt trước 5 năm kế hoạch của Bộ Y tế. Hiện, toàn thành có 520 lương y, 153 lương dược, 544 kỹ thuật viên châm cứu và 498 kỹ thuật viên dược, phủ rộng đến trạm y tế xã phường.
Thư Anh