Báo cáo của đơn vị phụ trách về thông tin sai lệch thuộc Cơ quan Hành động đối ngoại châu Âu (EEAS) cho biết từ tháng 12/2020 tới tháng 4 năm nay, các hãng truyền thông nhà nước của Nga và Trung Quốc đã tung tin giả lên mạng bằng nhiều ngôn ngữ, gây lo ngại về tính an toàn của vaccine, cáo buộc vô căn cứ rằng tiêm chủng có liên quan tới những ca tử vong ở châu Âu, đồng thời quảng bá vaccine của họ là vượt trội.
"Cả Nga và Trung Quốc đều sử dụng truyền thông do nhà nước quản lý, mạng lưới truyền thông ủy quyền và mạng xã hội, bao gồm các tài khoản mạng xã hội ngoại giao chính thức, để đạt được những mục tiêu này", báo cáo có đoạn viết.
Chính sách ngoại giao vaccine của Kremlin và Bắc Kinh "tuân theo logic trò chơi có tổng bằng không, được kết hợp với các nỗ lực gieo rắc thông tin sai lệch và thao túng để làm suy giảm niềm tin vào vaccine do phương Tây sản xuất".
Báo cáo nói thêm các vấn đề về nguồn cung vaccine AstraZeneca, cũng như tác dụng phụ hiếm gặp của AstraZeneca và Johnson & Johnson, cũng được Nga và Trung Quốc khai thác. "Các kênh chính thức của Trung Quốc và phương tiện truyền thông ủng hộ Kremlin đã khuếch đại thông tin về tác dụng phụ của vaccine phương Tây, xuyên tạc và gây kích động", báo cáo có đoạn.
Nga và Trung Quốc đã bác bỏ tất cả cáo buộc về thông tin sai lệch của EEAS, cơ quan thường xuyên đưa ra báo cáo về lĩnh vực này và hợp tác với Google, Facebook, Twitter hay Microsoft để hạn chế việc phát tán tin giả.
EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thường xuyên cáo buộc Nga có hành động bí mật, bao gồm tung thông tin sai lệch, để cố gắng gây bất ổn cho phương Tây bằng cách gây chia rẽ xã hội.
Thanh Tâm (Theo Reuters)