Hai tiêm kích F-35 của liên quân do Mỹ dẫn đầu "ngày 25/8 áp sát nguy hiểm tiêm kích Su-35 của không quân Nga ở độ cao khoảng 6.500 m" trên khu vực al-Tanf ở miền nam Syria, thiếu tướng Vadim Kulit, phó giám đốc Trung tâm Hòa giải Các bên tham chiến tại Syria của Nga, thông báo.
Tướng Kulit cho biết vụ chạm mặt xảy ra khi tiêm kích Su-35 Nga "thực hiện chuyến bay theo kế hoạch dọc theo biên giới phía nam Syria". Ông khẳng định phi công Nga "thể hiện sự chuyên nghiệp cao và thực hiện biện pháp cần thiết để tránh va chạm".
Theo tướng Kutlit, máy bay không người lái (UAV) và phi cơ của liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu tại Syria 17 lần gây ra tình huống nguy hiểm tại khu vực Al-Tanf. Trong ngày 25/8, UAV của liên minh quân sự này "vi phạm giao thức giảm xung đột 11 lần".
Giới chức Mỹ chưa bình luận về các thông tin trên.
Mỹ và Nga năm 2019 thống nhất quy tắc sử dụng không phận Syria nhằm tránh các sự cố ngoài ý muốn có thể làm gia tăng căng thẳng. Hai bên đồng ý không bay qua đầu lực lượng của nhau, nhất là với máy bay mang vũ khí.
Máy bay của Nga và Mỹ gần đây nhiều lần chạm mặt tại Syria. Quân đội Nga liên tiếp hai tuần qua cáo buộc máy bay quân sự nước này tại Syria bị tiêm kích Mỹ quấy nhiễu.
Vụ gần nhất diễn ra ngày 19/8, khi một chiếc F-35 của Mỹ "áp sát nguy hiểm" tiêm kích Su-35 Nga tại độ cao 9.000 m ở khu vực Al-Tanf. Trước đó 7 ngày, biên đội máy bay tuần tra ở Al-Tanf, gồm hai tiêm kích bom Su-34 và hai chiếc Su-35S, phát hiện tín hiệu từ "radar tấn công" trên tiêm kích F-35 Mỹ, khiến hệ thống phòng vệ được tự động kích hoạt.
Quân đội Mỹ ngày 26/7 cho biết một UAV MQ-9 bị tiêm kích Su-35 Nga "áp sát nguy hiểm", sau đó thả mồi bẫy từ phía trên. Nga sau đó cáo buộc UAV Mỹ áp sát nguy hiểm và buộc tiêm kích của họ thả mồi bẫy tự vệ.
Nga triển khai lực lượng tới Syria từ năm 2015 theo đề nghị của Tổng thống Bashar al-Assad nhằm hỗ trợ quân đội chính phủ nước này chống phiến quân Hồi giáo và các nhóm nổi dậy. Nga sau đó rút một phần lực lượng tại Syria và tiếp tục vận hành hai căn cứ quân sự tại quốc gia Trung Đông tới nay.
Quân đội Mỹ triển khai lực lượng tới Syria dưới thời cựu tổng thống Barack Obama với lý do chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Mỹ rút phần lớn lực lượng khỏi Syria sau khi IS bị đánh bại, nhưng vẫn duy trì một số căn cứ quân sự và tiếp tục phối hợp với các nhóm vũ trang đối lập với chính phủ Syria để chống tàn dư IS.
Syria và Nga cáo buộc Mỹ triển khai bất hợp pháp quân đội tại quốc gia Trung Đông, còn Lầu Năm Góc tuyên bố lính Mỹ chỉ rời đi khi IS hoàn toàn bị xóa sổ và các lực lượng đồng minh với họ ở Syria được bảo vệ.
Thanh Danh (Theo TASS, RIA)