Khi Nga tìm kiếm thêm đồng minh để đối phó với làn sóng trừng phạt chưa từng có của phương Tây, Kenya, đối tác an ninh lâu năm của Mỹ, dường như không phải lựa chọn tiềm năng. Song vài giờ sau khi Moskva rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, đại sứ Nga ở Kenya đã nhận thấy cơ hội để lôi kéo một trong những quốc gia châu Phi chịu ảnh hưởng nhiều nhất nếu khủng hoảng lương thực xảy ra.
Trong bài bình luận đăng trên hai tờ báo lớn nhất của Kenya, đại sứ Nga Dmitry Maksimychev đổ lỗi cho Mỹ và Liên minh châu Âu khiến thỏa thuận ngũ cốc đổ vỡ, khẳng định phương Tây đã "sử dụng mọi thủ đoạn" để cản trở ngũ cốc và phân bón Nga vào thị trường quốc tế.
"Những người bạn Kenya thân mến, giờ bạn đã biết toàn bộ sự thật về ai đang vũ khí hóa lương thực", ông viết.
Đây cũng là thông điệp được Moskva đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi lần thứ hai đang diễn ra tại St. Petersburg, nơi đại diện của gần 50 nước châu Phi, vốn phụ thuộc nhiều vào sản phẩm nông nghiệp và an ninh Nga, tham dự. Nguồn cung ngũ cốc và tương lai tập đoàn an ninh tư nhân Wagner sẽ là hai chủ đề thảo luận trọng tâm của hội nghị được tổ chức trong hai ngày.

Tổng thống Putin và lãnh đạo Mali Assimi Goita tại Saint Petersburg ngày 27/7. Ảnh: AFP
Nga đang chịu nhiều áp lực để thể hiện cam kết hỗ trợ châu lục 1,3 tỷ dân này. 54 quốc gia châu Phi đang tạo thành khối bỏ phiếu lớn nhất tại Liên Hợp Quốc, nơi các dự thảo nghị quyết về Nga thường xuyên gây tranh cãi.
Nếu rời hội nghị với cảm giác không thỏa mãn, các đại diện châu Phi có thể nới rộng khoảng cách trong quan hệ với Nga, theo nhà phân tích Cameron Hudson tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) ở Mỹ.
"Tôi nghĩ bạn có thể thấy các nước châu Phi bắt đầu thể hiện quan điểm bằng cách ngừng ủng hộ. Đây là thời điểm then chốt cho mối quan hệ giữa châu Phi và Nga", Hudson nói.
Tổng thống Vladimir Putin nhiều lần nói rằng Nga sẽ cung cấp lương thực miễn phí cho các nước nghèo ở châu Phi sau khi chấm dứt thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen. "Tôi muốn đảm bảo rằng đất nước chúng tôi có khả năng thay thế ngũ cốc Ukraine ở cả phương diện tặng và bán", ông nói ngày 24/7, khẳng định Nga đã chuyển gần 10 triệu tấn ngũ cốc cho châu Phi trong nửa đầu năm nay.
Sau cuộc nổi loạn hồi tháng 6, tương lai của tập đoàn an ninh quân sự Wagner cũng là vấn đề cấp bách đối với Sudan, Mali và các nước ký hợp đồng bảo đảm an ninh với lực lượng này. Ngoại trưởng Nga đã trấn an các đối tác châu Phi rằng hợp đồng của Wagner ở những nước này sẽ được duy trì.
Ngoài ra, mức độ quan tâm của Tổng thống Putin với châu Phi cũng có thể là vấn đề được quan tâm. Ông Putin mới thăm các nước châu Phi cận Sahara một lần trong hơn hai thập kỷ cầm quyền. Tuần trước, sau áp lực ngoại giao liên quan tới lệnh bắt của Tòa Hình sự Quốc tế (ICC), Nam Phi tuyên bố ông Putin đồng ý không tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS ở nước này vào tháng 8.
Cuộc tranh luận của Nam Phi, từng là đồng minh thân thiết của Mỹ, về việc có tuân thủ lệnh bắt của ICC hay không là dấu hiệu cho thấy các luồng quan điểm đối ngược ở quốc gia này về Nga.
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược châu Phi do Mỹ hậu thuẫn dự đoán rằng Nga sẽ tìm kiếm ủng hộ từ các nước có ảnh hưởng khác trong lục địa như Ethiopia, Congo, Nigeria và Senegal. Chuyên gia Joseph Siegle cho rằng châu Phi là "khu vực thân thiện nhất với Nga so với phần còn lại trên thế giới".
Giống như Trung Quốc, Nga đang cố gắng khai thác tâm lý của các nước châu Phi là không muốn bị nước lớn áp đặt quan điểm, theo Cara Anna, nhà phân tích của AP.
Đại sứ Nga tại Kenya Maksimychev tuần trước lên tiếng phản đối tuyên bố của Mỹ và đồng minh rằng họ lo ngại đạn thật được sử dụng để trấn áp biểu tình về chi phí sinh hoạt cao ở Kenya. "Nếu không phải là can thiệp nội bộ, thì đây là gì?", cho hay.
"Cảm ơn đại sứ Nga ở Kenya vì lập trường này", Ngoại trưởng Kenya Korir Sing'Oei đáp lại bình luận của Maksimychev, chỉ một ngày sau khi ông gọi quyết định chấm dứt Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen của Nga là "cú đâm sau lưng".
Mặc dù có ảnh hưởng lớn ở châu Phi, Nga đầu tư tương đối ít vào lục địa này, theo giới quan sát. Tại Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi đầu tiên năm 2019, ông Putin cam kết tăng gấp đôi thương mại của Moskva với lục địa trong vòng 5 năm. Tuy nhiên, kim ngạch thương mại giữa hai bên chỉ dừng lại ở mức 18 tỷ USD mỗi năm. Moskva rót chưa tới 1% đầu tư trực tiếp nước ngoài vào châu Phi và không có khoản viện trợ nhân đạo nào.
Tuy nhiên, Nga có thể kết nối với các nước châu Phi theo cách mà phương Tây không thể, theo Tim Kalyegira, nhà phân tích ở Uganda. Đó là chính sách với người đồng tính.
Ông Putin ngày 24/7 ký luật cấm chuyển giới đã được quốc hội thông qua ngày 14/7. Luật cấm thay đổi thông tin giới tính trên hồ sơ công dân hoặc các giấy tờ khác, đồng thời cấm thay đổi giới tính thông qua phẫu thuật.
"Nga là một trong số ít nước ở châu Âu có chung quan điểm với châu Phi về đồng tính. Chúng tôi là quốc gia Kitô giáo truyền thống. Mỗi khi bạn ra dự luật chống đồng tính, chúng tôi đều đồng tình", ông nói.
Lập trường của Nga cũng có thể tác động tới các đồng minh khác của Mỹ như Nigeria hay Ghana, theo Kalyegira.
Uganda đã vấp chỉ trích của Mỹ với luật mới có thể khiến người đồng tính đối mặt nguy cơ bị tử hình. Tổng thống Joe Biden đe dọa trừng phạt khi cho rằng đối tác lâu năm có "bước thụt lùi về dân chủ".

Người Mali biểu tình phản đối Pháp và ủng hộ Nga tại Bamako, Mali hồi tháng 9/2020. Ảnh: AP
Uganda là một trong những khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Nga. Danh sách khách hàng lớn mua vũ khí Nga còn có những cái tên như Algeria, Egypt, Morocco, Ethiopia, Angola và Burkina Faso.
Kalyegira nói rằng Nga có thể đưa ra các thỏa thuận ngũ cốc riêng lẻ với từng nước châu Phi, qua đó làm suy yếu lập trường của lục địa về cuộc chiến Ukraine.
Mỹ đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh với châu Phi vào năm ngoái. "Tại sao Mỹ cần quan tâm tới cạnh tranh ở châu Phi hoặc đầu tư cho sự ổn định của lục địa. Câu trả lời rõ ràng là châu Phi đã sẵn sàng trở thành thế lực kinh tế và nhân khẩu học phát triển nhanh nhất thế giới trong thế kỷ 21", Joseph Sany, thành viên Viện Hòa bình Mỹ, nói tháng này.
Sany dự đoán tới năm 2050, "châu Phi sẽ chiếm 1/4 dân số toàn cầu".
Các phái đoàn châu Phi tới Nga có thể tận dụng điều này làm đòn bẩy tạo lợi thế. "Các nước châu Phi chắc chắn sẽ không muốn bị cuốn vào cuộc chiến tranh ủy nhiệm. Một cách tiếp cận thông minh là tận dụng những quyền lực của họ để thu về lợi ích tối đa", Ronak Gopaldas, nhà tư vấn tại Viện Nghiên cứu An ninh ở châu Phi, nói đầu năm nay.
Thanh Tâm (Theo AP)