Thông tin công bố trên trang Sputnik (Nga) ngày 22/6. Bài báo không tiết lộ thời điểm chính xác diễn ra thử nghiệm, số lượng tình nguyện viên sẽ tham gia.
Theo Alexander Gintsburg, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh học Quốc gia Gamaleya, đơn vị hiện thử nghiệm vaccine này trên chuột. Kết quả thể hiện vaccine ung thư kéo dài tuổi thọ của động vật mắc u ác tính gấp 2-3 lần, đồng thời tiêu diệt khối u và tế bào di căn.
Ông Gintsburg nhận định nếu được phát triển đúng cách, vaccine sẽ giúp ích cho các bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ, ung thư tại tụy, thận... Nếu người bệnh bị di căn giai đoạn đầu, vaccine vẫn có hiệu quả điều trị cao.
Hồi tháng 3, Cơ quan Y tế - Sinh học Nga cho biết vaccine có thể ra mắt sau ba năm nếu được hỗ trợ về thủ tục pháp lý, khả năng sản xuất. Ngoài Nga, Mỹ và Anh cũng tham gia nghiên cứu mũi tiêm điều trị ung thư với 5 ứng viên vaccine đang thử nghiệm lâm sàng gồm: V940/mRNA-4157, BNT122, TG4050, Tedopi, VB10.16.
Bệnh ung thư đã trở thành nỗi ám ảnh thường trực của nhiều người, nhiều quốc gia. Trong đó, ung thư phổi không tế bào nhỏ chiếm tỷ lệ khoảng 85% ca ung thư phổi. Ung thư phổi không tế bào nhỏ gồm các loại: biểu mô tuyến, biểu mô vảy, tế bào lớn. Bệnh thường được phát hiện muộn, tiên lượng xấu, tỷ lệ sống thêm 5 năm thấp.
Ung thư tuyến tụy phát triển và tấn công thầm lặng, khó phát hiện từ giai đoạn đầu. Theo Globocan 2020, tỷ lệ mắc loại ung thư này xếp thứ 13 thế giới. Chỉ 9,3% bệnh nhân sống thêm 5 năm kể từ lúc phát hiện.
Khác với vaccine phòng bệnh truyền nhiễm, vaccine ung thư dùng để điều trị. Mũi tiêm huấn luyện hệ miễn dịch nhận diện và tiêu diệt tế bào ung thư sau phẫu thuật, có thể kết hợp với thuốc miễn dịch để tăng hiệu quả.
Chi Lê (Theo Sputnik)