Chỉ huy lực lượng tên lửa Nga Sergei Karakayev hôm 15/12 cho biết 8 vụ thử nghiệm đã được lên kế hoạch từ hai địa điểm phóng, một gần thành phố Murmansk ở miền bắc và một gần thành phố Volgograd ở miền nam.
Theo ông Karakayev, 4 vụ phóng thử đã diễn ra trong năm nay và "khẳng định độ tin cậy cao của các hệ thống tên lửa". Karakayev đặc biệt trích dẫn tên lửa Sarmat có khả năng mang đầu đạn hạt nhân đã trải qua lần phóng thử đầu tiên hồi tháng 4 từ Plesetsk, miền bắc nước Nga, đánh trúng mục tiêu trên bán đảo Kamchatka cách đó 6.000 km.
Sarmat đã được phát triển trong nhiều năm nhưng cuộc thử nghiệm hồi tháng 4 diễn ra vào thời điểm căng thẳng quốc tế cực độ, sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Tổng thống Nga Vladimir Putin khi đó cho biết không loại tên lửa nào có thể so sánh được với Sarmat và sẽ "tăng cường tiềm năng chiến đấu của các lực lượng vũ trang chúng ta".
Ông Karakayev nhấn mạnh tên lửa Sarmat sẽ tạo thành nền tảng của kho tên lửa trong hầm phóng.
"Trong hoàn cảnh hiện tại, việc tạo ra hệ thống tên lửa như vậy cho Nga đồng nghĩa tăng cường an ninh chiến lược của đất nước", ông nói.
Theo hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân New START, có hiệu lực từ năm 2011, cả Nga và Mỹ đều bị giới hạn 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mỗi bên.
Dự án siêu tên lửa Sarmat được Nga khởi động năm 2011 để thay thế dòng R-36M lạc hậu. Đây là một trong 6 "siêu vũ khí" được Tổng thống Putin giới thiệu đầu năm 2018. Vụ thử nghiệm hồi tháng 4 là lần đầu tiên Nga phóng thử tên lửa Sarmat hoàn chỉnh với tầm bắn tối đa, trong khi các cuộc thử nghiệm trước đây chỉ nhằm kiểm tra một phần tên lửa.
Huyền Lê (Theo TASS, Reuters)