"Xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc thông qua đường ống Power of Siberia gia tăng theo khuôn khổ hợp đồng song phương dài hạn giữa Gazprom và CNPC, tăng 60,9% trong 7 tháng đầu năm", tập đoàn năng lượng Nga Gazprom thông báo trên Telegram ngày 1/8, nhắc đến Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc.
Power of Siberia là đường ống dẫn khí tự nhiên từ Cộng hòa Sakha thuộc Nga tới các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là dự án chung giữa Gazprom và CNPC, cung cấp khí đốt cho Trung Quốc theo hợp đồng 30 năm ký năm 2014.
Nhu cầu thế giới với nguồn cung của Gazprom giảm khoảng 35 tỷ m3 trong 7 tháng đầu năm, trong đó 31 tỷ m3 là từ Liên minh châu Âu (EU). Sản lượng khí đốt hàng ngày của Gazprom trong tháng 7 xuống thấp nhất kể từ năm 2008. Công ty bơm 774 triệu m3 mỗi ngày, thấp hơn 14% so với tháng 6.
Nga cung cấp khoảng 40% nhu cầu khí đốt cho châu Âu, nhưng từ sau khi Moskva mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine cuối tháng 2, nguồn cung này ngày càng giảm. Nga đã dừng vận chuyển khí đốt đến ba nước vùng Baltic, Phần Lan, Ba Lan và Bulgaria, đồng thời giảm nguồn cung tới Đức, Áo và Italy. Lưu lượng khí đốt qua Nord Stream 1 sang Đức chỉ còn 20% công suất tối đa.
Lãnh đạo các nước EU tăng cường chuẩn bị cho kịch bản không có khí đốt Nga, tích cực tìm nguồn năng lượng thay thế từ các nước như Mỹ, Na Uy, Azerbaijan và Algeria. EU chỉ trích Moskva vũ khí hóa năng lượng, trong khi Nga nhiều lần bác cáo buộc và khẳng định mình là nhà cung cấp đáng tin cậy.
Trung Quốc cùng Ấn Độ là hai nền kinh tế lớn không áp lệnh trừng phạt Nga do chiến dịch quân sự ở Ukraine và đã tăng mua dầu của nước này, bất chấp sức ép từ phương Tây. Bắc Kinh đã kêu gọi các bên trong xung đột ở Ukraine đàm phán hòa bình, nhưng không chỉ trích Moskva.
Nga và Trung Quốc đã xích lại gần nhau hơn trong các lĩnh vực chính trị, thương mại, quân sự và khẳng định tình hữu nghị "không giới hạn". Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, với lượng giao dịch năm ngoái đạt 147 tỷ USD, tăng hơn 30% so với năm 2019. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc điện đàm tháng 6 nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục ủng hộ Moskva về vấn đề chủ quyền và an ninh.
Như Tâm (Theo RT, Guardian)