Nga buộc phải giảm lưu lượng khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 do tuabin gặp sự cố kỹ thuật, phó giám đốc điều hành Gazprom Vitaly Markelov ngày 29/7 nói với kênh Rossiya 24. Vấn đề này là do tập đoàn Siemens Group của Đức, đơn vị sản xuất các tuabin, không hoàn thành các cam kết, theo Markelov.
Quan chức Gazprom cho hay Siemens mới xử lý được 1/4 tổng số lỗi kỹ thuật ảnh hưởng đến tuabin nén khí trong hệ thống đường ống Nord Stream 1.
Nord Stream 1 là đường ống dẫn khí đốt lớn nhất từ Nga sang Đức qua biển Baltic, vận chuyển khoảng 55 tỷ m3 khí đốt mỗi năm. Ngày 27/7, lưu lượng qua đường ống giảm còn 33 triệu m3/ngày, tương đương 20% công suất tối đa, sau khi Gazprom cảnh báo có thể phải dừng hoạt động thêm một tuabin của Siemens ở trạm nén khí Portovaya để bảo dưỡng.
Trong khi đó, Gazprom vẫn đang chờ một tuabin khác được chuyển từ Đức về Nga. Tuabin này được Siemens Group gửi đến chi nhánh Siemens Energy ở Canada hồi tháng 6 để bảo trì. Canada sau đó quyết định giữ lại tuabin theo lệnh trừng phạt phương Tây áp đặt với Moskva. Đầu tháng 7, Ottawa cấp giấy phép "có thời hạn và có thể thu hồi" để Siemens Energy trả tuabin nén khí đã sửa chữa cho Đức.
"Các đối tác châu Âu cáo buộc chúng tôi giảm nguồn cung mà không có lý do chính đáng. Hoàn toàn không phải như vậy", Markelov nói, cáo buộc các đối tác phương Tây "không hoàn thành nghĩa vụ của họ theo hợp đồng về bảo dưỡng tuabin nén khí".
Nhật báo Kommersant của Nga lưu ý tuabin nén khí được Đức chuyển về đến Nga có thể không làm tăng nguồn cung trong đường ống Nord Stream 1, bởi một số tuabin tại trạm Portovaya cần được bảo dưỡng. Thỏa thuận hiện tại cho phép Siemens Energy nhận thêm 5 tuabin nữa để bảo dưỡng trước cuối năm 2024.
Markelov hôm 27/7 nói rằng trạm Portovaya chỉ còn một tuabin nén khí có thể hoạt động, các tuabin còn lại cần bảo dưỡng hoặc sửa chữa, không thể sử dụng bởi không phù hợp với các tiêu chuẩn của Nga. Siemens Energy thông báo họ chưa nhận được báo cáo hư hại nào từ Gazprom và cho rằng các tuabin vẫn đang hoạt động bình thường.
"Chúng tôi kêu gọi các đối tác giải quyết vấn đề của họ sớm nhất có thể", theo Markelov. Nguồn cung khí đốt từ Nga sang châu Âu "sẽ sớm trở lại bình thường".
Nguồn cung từ Nga giảm khiến giá khí đốt châu Âu tăng hơn 20%, lên hơn 2.500 USD/1.000 m3 hôm 27/7. Các lãnh đạo châu Âu đổ lỗi cho Nga vì tình trạng này.
Tuần trước, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng Berlin không thể dựa vào Moskva về nguồn cung khí đốt. Nga cho rằng những tuyên bố như vậy "hoàn toàn trái ngược với thực tế và lịch sử cung ứng".
Như Tâm (Theo RT, Bloomberg)