Hãng thông tấn Tass cho biết thông tin trên, tuy nhiên chưa tiết lộ thời gian cụ thể triển khai thử nghiệm. Kế hoạch ban đầu, Nga có thể thử nghiệm mũi tiêm vào năm 2025.
Alexander Gintsburg, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh học Quốc gia Gamaleya, giải thích ung thư hắc tố dễ nhận biết và thu thập dữ liệu. Còn ung thư phổi tế bào nhỏ phổ biến nhất, gây ra 1,2 đến 1,3 triệu ca tử vong trên thế giới mỗi năm.
Ông Gintsburg cũng cho biết vaccine được bào chế cá nhân hóa cho bệnh nhân. Do đó, quy trình thử nghiệm sẽ khác biệt so với cổ điển để thuận tiện phân tích dữ liệu.
Hồi tháng 9, các chuyên gia đã hoàn thành giai đoạn nghiên cứu tiền lâm sàng. Kết quả sơ bộ cho thấy vaccine kéo dài tuổi thọ của động vật mắc u ác tính gấp 2-3 lần, đồng thời tiêu diệt khối u và tế bào di căn.
Ung thư hắc tố thường tiến triển nhanh, gây di căn sớm và nguy cơ tử vong cao. Bệnh viện K dẫn một số thống kê cho thấy bệnh có xu hướng tăng nhanh, cao gấp đôi sau 10-15 năm và tăng dần theo tuổi. Trong đó, năm 2015, tỷ lệ mắc cao nhất ghi nhận tại Australias với 40 ca trên 100.000 dân, tiếp đến là Mỹ với 12 ca trên 100.000 dân.
Còn ung thư phổi tế bào nhỏ thường có tiên lượng xấu do mức độ tiến triển nhanh, di căn sớm với khoảng 2/3 bệnh nhân đi khám khi ở giai đoạn lan tràn. Nếu không được điều trị, thời gian sống thêm trung bình khi bước vào giai đoạn khu trú là khoảng 12-15 tuần, 6-9 tuần ở giai đoạn lan tràn.
Ba đơn vị phát triển vaccine gồm Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh học Quốc gia Gamaleya, Viện Nghiên cứu Ung thư PA Herzen Moskva, Trung tâm Nghiên cứu Y khoa Quốc gia N.N Blokhina. Khác với vaccine phòng bệnh truyền nhiễm, vaccine ung thư dùng để điều trị. Mũi tiêm huấn luyện hệ miễn dịch nhận diện và tiêu diệt tế bào ung thư sau phẫu thuật, có thể kết hợp với thuốc miễn dịch để tăng hiệu quả.
Chi Lê