Dựa trên các kết quả thử nghiệm tạm thời, Nga công bố vaccine Sputnik V hiệu quả 95%. Trong khi đó, vaccine AZD1222 của Oxford/AstraZeneca đạt độ bảo vệ từ 62-90% trong nghiên cứu quan trọng. Hãng vừa tuyên bố sẽ khởi động một thử nghiệm lâm sàng mới, với liều tiêm thấp, để xác nhận lại kết quả.
Ngay sau đó, trên tài khoản Twitter chính thức, đơn vị nghiên cứu Sputnik V cho biết: "Nếu họ tiến hành thử nghiệm lâm sàng mới, chúng tôi khuyên họ nên thử sử dụng kết hợp AZD1222 (hoặc ChAdOx1) với Sputnik-V. Chúng đều dùng công nghệ vector, đưa mã gene virus vào cơ thể để tăng hiệu quả".
AstraZeneca cho biết có thể cung cấp khoảng 200 triệu mũi tiêm vào cuối năm 2020. Các nước phát triển đánh giá vaccine của Anh là một trong những tia hy vọng lớn nhất đối với họ, bởi giá rẻ và vận chuyển dễ dàng. AZD1222 có thể bảo quản được ở nhiệt độ tủ lạnh bình thường (2-8 độ C).
Với hơn 2.187.990 ca nhiễm nCoV, Nga hiện ghi nhận số bệnh nhân lớn trên thế giới, sau Mỹ, Ấn Độ và Brazil.
Ngày 27/11, Pascal Soriot, Giám đốc Điều hành của AstraZeneca, cho biết hãng sẽ tiến hành thêm một thử nghiệm toàn cầu mới đối với vaccine AZD1222. Các nhà khoa học sẽ sử dụng vaccine liều 1,5 mũi. Chương trình này không ảnh hưởng đến thời gian phê duyệt cũng như triển khai tiêm chủng ở Anh và châu Âu. AstraZeneca cũng tuyên bố các tình nguyện viên sẽ không đủ đa dạng về sắc tộc, giới tính và tuổi tác theo tiêu chuẩn của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA).
Thế giới có hơn 100 loại vaccine đang được phát triển. Trong đó, 12 "ứng viên" đã tiến đến thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối, thuộc về Nga, Trung Quốc, Mỹ, Anh và Đức. Nga và Trung Quốc là hai nước hiếm hoi phê duyệt khẩn cấp vaccine.
Hải Chi (Theo Reuters)