Thông tin này được đưa ra vài ngày sau khi hãng dược AstraZeneca và Đại học Oxford công bố vaccine thử nghiệm giai đoạn ba hiệu quả trung bình 70%, hiệu quả 90% cho liều thấp.
Hôm 25/11, nhóm Đại học Oxford cho biết do một số lọ vaccine không đủ nồng độ, gần 25% tình nguyện viên chỉ nhận một nửa mũi đầu, một tháng sau nhận tiếp một mũi đầy đủ. Nhóm nghiên cứu đã thảo luận vấn đề này với các cơ quan quản lý, hai bên đồng ý hoàn thành thử nghiệm giai đoạn ba với hai phác đồ, nhóm tiêm vaccine 1,5 mũi và nhóm tiêm vaccine hai mũi.
Trước đó, các nhà nghiên cứu đã giải thích kỹ từng bước thử nghiệm và cách thức phân tích kết quả. Hôm 23/11, Đại học Oxford cùng đối tác AstraZeneca công bố nhóm tiêm vaccine liều thấp đạt hiệu quả phòng ngừa 90%, nhiều hơn nhóm được tiêm đầy đủ (hiệu quả 62%). Tính trung bình cả hai phác đồ, kết quả thử nghiệm vaccine Oxford/AstraZeneca giai đoạn ba hiệu quả 70%.
Thử nghiệm là một phần của các nghiên cứu lớn đang diễn ra tại Anh và Brazil, nhằm xác định liều lượng vaccine tối ưu, đánh giá mức độ an toàn, hiệu quả.
Song, kết quả thử nghiệm đặt ra nhiều câu hỏi.
Theo các chuyên gia, do lượng tình nguyện viên tiêm vaccine 1,5 mũi tương đối ít, 2.741 người, rất khó để xác định độ hiệu quả của vaccine với nhóm này là thật hay sai sót thống kê. Trong khi đó, tới 8.895 người tiêm vaccine hai mũi.
Tình nguyện viên tiêm vaccine liều thấp đều dưới 56 tuổi. Người trẻ thường đáp ứng miễn dịch tốt hơn người lớn tuổi. Do đó, tuổi tác có thể là lý do khiến nhóm này đạt hiệu quả phòng ngừa cao hơn sau khi tiêm chủng.
Ngoài ra, quyết định gộp kết quả từ hai nhóm tình nguyện cũng gây tranh cãi, David Salisbury và cộng sự của chương trình y tế toàn cầu, thuộc tổ chức Chatham House nhận định.
"Bạn đã tiến hành hai nghiên cứu sử dụng các liều vaccine khác nhau và đi đến một kết quả chung không đại diện cho bất kỳ liều lượng nào", Salisbury nói. "Tôi nghĩ nhiều người đang gặp khó khăn với vấn đề này".
Trước đó, Andrew Pollard, nghiên cứu viên chính của thử nghiệm Oxford, cho biết không rõ tại sao các liều vaccine Covid-19 có kết quả khác nhau. Ông cùng cộng đồng khoa học đang chờ dữ liệu đầy đủ từ tất cả các thử nghiệm lâm sàng. Pollard nói: "Tại thời điểm này, chúng tôi không thể giải thích đầy đủ về sự khác biệt. Điều quan trọng là phải hiểu cách nghiên cứu đo lường".
Sarah Gilbert, một trong những người dẫn đầu nghiên cứu, dự đoán có thể họ đã cung cấp chính xác lượng vaccine để kích hoạt phản ứng miễn dịch tốt nhất.
Đại học Oxford và đối tác sẽ công bố chi tiết kết quả thử nghiệm trên các tạp chí y khoa trước khi nộp hồ sơ xin cấp phép sử dụng tới các cơ quan quản lý Anh. Báo cáo sẽ bao gồm phân tích cụ thể về thông tin nhân khẩu học, các trường hợp gặp tác dụng phụ, nhằm cung cấp cái nhìn tổng thể về độ hiệu quả của vaccine.
Ngày 24/11, Moncef Slaoui, người đứng đầu chương trình Chiến dịch Thần tốc Mỹ cho biết các quan chức Mỹ đang nỗ lực xác định mức độ phản ứng miễn dịch của vaccine Oxford/AstraZeneca, và có thể điều chỉnh thử nghiệm tại Mỹ với các vaccine liều thấp.
"Chúng tôi muốn kết quả dựa trên cơ sở dữ liệu và khoa học", ông nhấn mạnh.
Lê Hằng (Theo AP)