"Không có gì cản trở dòng chảy khí đốt xuất khẩu từ Nga sang châu Âu qua đường ống Nord Stream 1, ngoại trừ những sự cố kỹ thuật do biện pháp trừng phạt từ phương Tây gây ra", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói hôm nay.
Tuyên bố được ông Peskov đưa ra một ngày trước khi Nga ngắt hoàn toàn Nord Stream 1 trong ba ngày, kể từ ngày 31/8, để bảo dưỡng một thiết bị bơm tại trạm nén khí Portovaya.
Nord Stream 1 là đường ống dẫn khí đốt lớn nhất từ Nga sang Đức qua biển Baltic, vận chuyển khoảng 55 tỷ m3 khí đốt mỗi năm. Ngày 27/7, lưu lượng qua đường ống giảm còn 33 triệu m3/ngày, tương đương 20% công suất tối đa.
Đại diện tập đoàn năng lượng Nga Gazprom hồi cuối tháng 7 giải thích buộc phải giảm lưu lượng khí đốt qua Nord Stream 1 do tuabin gặp sự cố kỹ thuật và cảnh báo còn nhiều tuabin cần bảo dưỡng.
Tập đoàn Gazprom cho biết sau khi hoàn thành bảo dưỡng thiết bị bơm vào ngày 2/9 và "không xảy ra trục trặc kỹ thuật đối với tổ máy", hoạt động chuyển khí đốt qua Nord Stream 1 sẽ được khôi phục ở mức 33 triệu m3 mỗi ngày.
Liên minh châu Âu (EU) cáo buộc Nga sử dụng nguồn cung khí đốt làm vũ khí kinh tế gây sức ép với phương Tây, nhưng Moskva bác bỏ. Ông Peskov tuyên bố Nga sẵn sàng hoàn thành nghĩa vụ của mình về xuất khẩu khí đốt, nhưng các lệnh trừng phạt từ phương Tây đang cản trở quá trình bảo dưỡng và hoàn trả thiết bị, như với các tuabin của Nord Stream 1.
Điện Kremlin hôm nay còn lên án việc một số lãnh đạo châu Âu kêu gọi cấm visa với du khách Nga. "Thật không may, cả Brussels và các quốc gia thành viên đều đang thể hiện sự phi lý", ông Peskov nói, mô tả các hành động của EU nhằm vào Nga là "gần như điên cuồng".
"Tất nhiên, những quyết định đó sẽ bị đáp trả", ông Peskov cảnh báo, nhưng không nêu chi tiết.
Ukraine đề xuất EU cấm visa với người Nga để đáp trả Moskva mở chiến dịch quân sự ở nước này. Ba Lan và Cộng hòa Czech, nước đóng vai trò chủ tịch luân phiên EU, ủng hộ ý tưởng. Thụy Điển, Hy Lạp và Cyprus phản đối, cho rằng lệnh cấm nên áp đặt có chọn lọc, thay vì áp với toàn bộ người Nga.
Ngoại trưởng các nước thành viên EU sẽ họp trong tuần này để bàn về đề xuất trên, trong khi Đức và Pháp đã ra tuyên bố chung phản đối.
Như Tâm (Theo Reuters)