Dù Nga đã tìm thấy một số thị trường khác để bán dầu thô, chủ yếu ở Ấn Độ, việc tìm khách hàng thay thế cho các sản phẩm dầu mỏ tinh chế và khí đốt sẽ mất nhiều năm, với tổn thất rất lớn. Theo Julian Lee, nhà phân tích của Bloomberg, đó thậm chí vẫn là kịch bản tươi sáng với Nga, khi thế giới đang dần quay lưng với nhiên liệu hóa thạch.
Khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2 năm ngoái, một cuộc chiến khác trên thị trường năng lượng châu Âu cũng mở ra. Thị trường châu Âu, nơi mỗi ngày từng tiêu thụ gần 2,5 triệu thùng dầu thô, khoảng một triệu thùng sản phẩm dầu mỏ tinh chế khác và 155 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm bỗng nhiên biến mất.
Dòng chảy dầu thô từ Nga đến châu Âu bắt đầu giảm ngay sau khi quân đội Nga vượt qua biên giới Ukraine. Đến ngày 5/12, khi lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển của Liên minh châu Âu có hiệu lực, dòng dầu này tiếp tục giảm mạnh và Bulgaria, quốc gia được miễn trừ tạm thời, trở thành thị trường duy nhất còn lại ở châu Âu tiếp tục mua dầu thô Nga.
Dòng chảy của các sản phẩm dầu mỏ tinh chế cũng đang theo quỹ đạo tương tự, trước khi các biện pháp trừng phạt có hiệu lực vào ngày 5/2.
![Tổng thống Nga Vladimir Putin ký tên trên một đường ống dẫn khí đốt tại Vladivostok, Nga vào năm 2011. Ảnh: AFP.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/01/31/nga-putin-afp-edited-7754-1646-2798-8755-1675139516.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=qkec4XaemDxw6oMlwWPCww)
Tổng thống Nga Vladimir Putin ký tên trên một đường ống dẫn khí đốt tại Vladivostok, Nga vào năm 2011. Ảnh: AFP.
Thị trường khí đốt tự nhiên ở châu Âu cũng đang biến mất với Nga. Mạng lưới khổng lồ với các mỏ khí đốt và đường ống, được phát triển từ thời Liên Xô với chi phí hàng trăm tỷ USD để chuyển khí đốt tới châu Âu, gần như tê liệt.
Một ước tính vào năm 2017 cho thấy Nga đã đầu tư khoảng 100 tỷ USD để phát triển các mỏ khí đốt trên bán đảo Yamal, hầu hết được kết nối với châu Âu thông qua các đường ống, trong đó có đường ống Nord Stream chạy qua Biển Baltic nối giữa Đức và Nga. Moskva khi đó dự kiến tăng gấp đôi mức đầu tư vào các mỏ này vào năm 2025.
Tuy nhiên, phần lớn khoản đầu tư này giờ trở nên công cốc, theo Julian Lee.
"Dù Nga có thể cứu vãn một số mối quan hệ năng lượng với châu Âu sau khi xung đột kết thúc, các nước EU chắc chắn sẽ không cho phép họ phụ thuộc vào khí đốt Nga như trước đây", Lee nhận định.
Các chính phủ và người tiêu dùng châu Âu đã trở nên nghiêm túc về hạn chế tiêu thụ năng lượng, trong khi mức giá tăng vọt của khí đốt và điện trong năm qua đã thúc đẩy đầu tư vào năng lượng tái tạo và nỗ lực giảm giá điện.
Các công ty dầu mỏ Nga đã cố gắng chuyển hướng nguồn cung dầu sau khi bị châu Âu quay lưng, nhờ nhu cầu cao từ các nhà máy lọc dầu Ấn Độ. Tuy nhiên, việc chuyển hướng cũng khiến Nga và ngành công nghiệp dầu mỏ nước này phải trả giá đắt. Moskva đã phải giảm giá tới 35 USD mỗi thùng, khoảng 40%, để đưa dầu vào thị trường Ấn Độ.
Cho tới cuối năm ngoái, dầu Nga chiếm khoảng 1/4 lượng dầu thô nhập khẩu của Ấn Độ, thay thế hàng hóa từ các nhà cung cấp Trung Đông truyền thống như Arab Saudi, Iraq, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Kuwait.
"Chuyển hướng dầu thô là một chuyện, chuyển hướng các sản phẩm dầu mỏ tinh chế vào thị trường đó là điều hoàn toàn khác. Tôi chắc chắn sẽ có một số quốc gia mua dầu diesel giá rẻ của Nga, trong khi xuất khẩu sản phẩm tinh chế của họ tới châu Âu, nhưng họ sẽ yêu cầu Moskva giảm giá để có lãi", Lee cho hay. "Đây sẽ là khoản thiệt hại mà Nga phải gánh chịu".
Song dầu mỏ, dù là sản phẩm thô hay tinh chế, đều có lợi thế hơn so với khí đốt tự nhiên, bởi chúng có thể vận chuyển dễ dàng với chi phí rẻ bằng đường biển.
Trong 5 thập kỷ qua, nguồn khí đốt xuất khẩu của Nga đều hướng về phía tây, thông qua các đường ống khổng lồ dài hàng nghìn km, liên kết các mỏ khí đốt từ Siberia và sau đó là bán đảo Yamal tới khách hàng ở châu Âu.
Nga gần đây đã bắt đầu tìm kiếm những thị trường mới ở phía đông và đường ống Năng lượng Siberia đang chuyển khí đốt tới Trung Quốc. Song nguồn khí đốt này được khai thác từ các mỏ mới, cách các mỏ ở bán đảo Yamal hơn 2000 km về phía đông và hơn 900 km về phía nam. Xây dựng đường ống từ Yamal tới phía đông để kết nối với dự án Năng lượng Siberia là điều không dễ dàng.
Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga cho biết chi phí cho đường ống Năng lượng Siberia và các mỏ liên quan vào khoảng 55 tỷ USD. Tuy nhiên, một ước tính độc lập khác chỉ ra con số gần gấp đôi và cho rằng khoản đầu tư này khó mang về lợi nhuận cho Nga.
Giới quan sát cho rằng Trung Quốc cũng không thể mua toàn bộ lượng khí đốt mà Nga sản xuất. Dù nhu cầu năng lượng rất lớn, Trung Quốc không muốn lặp lại sai lầm của châu Âu khi quá phụ thuộc vào Moskva. Do đó, Nga sẽ cần tìm những khách hàng khác để thay thế thị trường châu Âu đã mất.
![Những đường ống chuyển khí đốt Nga cho châu Âu. Bấm vào hình để xem chi tiết.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/01/31/Nga-khi-dot-reuters-4241-1675139516.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=_CEBJ9vHu92HeLEm1u8dLg)
Những đường ống chuyển khí đốt Nga cho châu Âu. Bấm vào hình để xem chi tiết.
Nga muốn thúc đẩy nguồn cung khí đốt tới Ấn Độ, quốc gia đang phát triển nhanh chóng với nhu cầu năng lượng ngày càng lớn. Song vận chuyển khí đốt tới Ấn Độ khó khăn hơn tới Trung Quốc.
Tuyến đường ống vận chuyển khí đốt sẽ phải băng qua những ngọn núi cao nhất thế giới hoặc chạy qua Afghanistan hay Pakistan, nơi tình hình an ninh thường xuyên bất ổn. Cả hai tuyến đường ống đó đều sẽ có chi phí xây dựng và vận hành tốn kém hơn rất nhiều so với những tuyến kết nối với châu Âu, theo Lee.
"Cuộc chiến của Tổng thống Vladimir Putin ở Ukraine đã khiến Nga đánh mất thị trường năng lượng châu Âu, điều không dễ dàng thay thế. Dù Moskva và châu Âu cuối cùng có thể kết nối lại khi xung đột Ukraine kết thúc, Nga sẽ phải trả giá trong thời gian rất dài nữa", Lee cảnh báo.
Thanh Tâm (Theo Washington Post)