Tàu ngầm số hiệu AS-31, biệt danh "Losharik", của Nga gặp sự cố hỏa hoạn khi đang làm nhiệm vụ khảo sát đáy biển ở lãnh hải nước này hồi tháng 7/2019, khiến 14 thủy thủ thiệt mạng. Đây là một trong những thảm họa hàng hải tồi tệ nhất của Nga trong một thập kỷ.
Sau 5 năm sửa chữa, mẫu tàu ngầm siêu bí mật này đã sẵn sàng quay lại thử nghiệm trên biển, dự kiến diễn ra vào tháng 6, theo truyền thông Nga.
Sự trở lại của tàu Losharik sẽ giúp lực lượng đặc nhiệm chuyên về tác chiến dưới đáy biển của Nga, có tên gọi Tổng cục Nghiên cứu Biển sâu (GUGI), khôi phục hoàn toàn sức mạnh. Đây là đơn vị lớn nhất và có năng lực nhất thế giới về tác chiến dưới đáy biển.
Trong khi đó, Mỹ, quốc gia có lực lượng hải quân mạnh nhất hiện nay, lại đang tụt hậu trên mặt trận này.
Tác chiến dưới đáy biển là các hoạt động quân sự và tình báo diễn ra ở độ sâu nhiều km dưới mặt nước. Đây là một trong các hình thức tác chiến bí mật nhất trong chiến tranh hiện đại.
"Chúng ta chỉ có thể dự đoán về những gì hải quân các nước thực sự đang làm trong bóng tối đen như mực dưới đáy biển lạnh giá: gài thiết bị nghe lén vào hệ thống cáp quang biển hoặc tháo bỏ, phá hoại thiết bị tương tự của kẻ thù", chuyên gia quân sự David Axe cho biết. "Các hoạt động khác bao gồm lắp đặt các mạng lưới cảm biến siêu bí mật hoặc tiến hành những chiến dịch nhằm vào hạ tầng năng lượng dưới biển".
Xét về công nghệ, tác chiến dưới đáy biển là "cuộc chơi" dành riêng cho các lực lượng hải quân hiện đại nhất thế giới. Tuy nhiên, hiện chỉ có Nga coi mặt trận này là ưu tiên hàng đầu.
Ngoài Losharik, hải quân Nga còn sở hữu ba mẫu tàu ngầm có khả năng lặn sâu khác: Paltus, X-Ray và Kashalot. Chúng đều chạy bằng năng lượng hạt nhân và được trang bị lớp vỏ titanium kiên cố, có khả năng chống chịu áp suất cực lớn ở độ sâu khoảng 6 km dưới biển. Trong khi đó, vỏ kháng áp của Losharik được cho là cấu tạo từ một chuỗi các khối cầu titanium, hình dạng tốt nhất để chống lại áp suất.
Những con tàu này đều được gắn các cánh tay máy giống như móng vuốt để tương tác với những vật thể dưới đáy biển.
Nhược điểm của chúng là có kích thước nhỏ, không phù hợp để thực hiện những hải trình dài. Để khắc phục, hải quân Nga sử dụng hai "tàu ngầm mẹ", được chính sửa lại từ các mẫu tàu ngầm hạt nhân chiến lược, có khả năng mang các tàu ngầm lặn sâu cỡ nhỏ hơn di chuyển hàng nghìn km trong lúc lặn dưới nước, giúp chúng khó bị phát hiện.
Đội tàu ngầm này giúp hải quân Nga sở hữu ưu thế vượt trội các đối thủ khi xét tới năng lực can thiệp vào hệ thống liên lạc xuyên lục địa dưới đáy biển. Chỉ duy nhất hải quân Mỹ có khả năng và công nghệ bắt kịp hoặc chống lại Nga trên lĩnh vực này, song đây hiện không phải ưu tiên chính của Washington.
Hải quân Mỹ chỉ có duy nhất một tàu ngầm có khả năng thực hiện tất cả các nhiệm vụ dưới đáy biển, đó là tàu USS Jimmy Carter vốn hiếm khi xuất hiện. Đây là mẫu tàu ngầm dài theo tiêu chuẩn của Mỹ, trong đó thân tàu và phần mở rộng có tổng chiều dài 137 mét. Cấu tạo cụ thể của phần mở rộng thân tàu là thông tin mật, song nó được cho là có tác dụng hỗ trợ thủy thủ đoàn thực hiện các nhiệm vụ mang tính rủi ro cao dưới đáy biển.
Tuy nhiên, vấn đề lớn là mẫu tàu này được hạ thủy từ năm 2004, đồng nghĩa lớp vỏ thép của nó chỉ còn hạn sử dụng khoảng 10 năm, sau khi liên tục phải chịu áp suất lớn trong những chuyến lặn sâu, theo chuyên gia Axe.
Vì lý do này, quốc hội Mỹ năm nay đã chấp thuận chi 5 tỷ USD để mua một chiếc tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Virginia phiên bản mới, được trang bị phần mở rộng thân để phục vụ hoạt động tác chiến dưới đáy biển. Con tàu này dự kiến được biên chế trong khoảng 5 năm tới, đủ thời gian để tiến hành thử nghiệm trước khi USS Jimmy Carter hết tuổi thọ vận hành.
Dù vậy, ngay cả khi sở hữu tàu ngầm lớp Virginia phiên bản mới, hải quân Mỹ vẫn sẽ thất thế trước Nga ở mặt trận này. Biến thể lớp Virginia mới nhất được đánh giá tương đương một trong hai "tàu ngầm mẹ" của Nga, song Mỹ hiện không còn vận hành bất kỳ tàu ngầm lặn sâu cỡ nhỏ hơn nào như Losharik, Paltus, X-Ray và Kashalot.
Bên cạnh đó, hải quân Mỹ thực chất có thể chia ra thành hai lực lượng độc lập, một ở Đại Tây Dương và một ở Thái Bình Dương. Hai lực lượng này chỉ thỉnh thoảng mới trao đổi tàu với nhau qua kênh đào Panama hoặc qua các chuyến đi dài vòng quanh Nam Mỹ và Bắc Cực.
USS Jimmy Carter thuộc Hạm đội Thái Bình Dương và lực lượng ở Đại Tây Dương chưa có con tàu nào tương tự. "Lý tưởng nhất là Hạm đội Đại Tây Dương của Mỹ cũng được trang bị một tàu ngầm lặn sâu, đặc biệt trong bối cảnh mối đe dọa từ Nga đang ngày càng tăng", Axe cho hay.
Tuy nhiên, việc này sẽ khiến Mỹ tiêu tốn hàng tỷ USD và tạo thêm gánh nặng cho ngành công nghiệp đóng tàu của nước này, vốn đang có hàng loạt dự án bị trễ hẹn. Hải quân Mỹ hồi tháng 4 cho biết nhiều chương trình vũ khí hàng đầu của lực lượng này sẽ bị chậm tiến độ từ ít nhất một năm đến ba năm so với thời điểm ghi trong hợp đồng.
"Công bằng mà nói thì Mỹ đang cố gắng hết sức để duy trì năng lực tác chiến dưới đáy biển ở mức mà họ có thể chi trả", Axe nêu quan điểm. "Cũng phải khẳng định họ đang thua kém Nga trên lĩnh vực này, thậm chí sẽ tụt lại xa hơn nữa sau khi tàu ngầm Losharik quay lại hoạt động".
Phạm Giang (Theo Telegraph, Reuters, AFP)