Các loại vũ khí tiên tiến, đặc biệt là những hệ thống phòng không và chống tăng cơ động, cũng như vũ khí và đạn dược cỡ nhỏ được phương Tây hỗ trợ bắt đầu đổ về Ukraine với số lượng lớn hơn. Chúng mang đến tác động lớn tới chiến trường khi xe tăng, xe bọc thép, xe tải tiếp tế cùng trực thăng Nga liên tục bị nhắm mục tiêu.
Chiến thuật phòng thủ mà quân đội Ukraine áp dụng đang làm chậm đáng kể đà tiến công của các lực lượng Nga khi nước này tiếp tục thắt chặt vòng vây theo ba hướng: Từ phía bắc đến thủ đô Kiev, từ phía đông với trọng tâm là bao vây Kharkov cùng Mariupol và từ phía nam, nơi các đơn vị Nga, đã giành quyền kiểm soát Kherson, vượt sông Dnepr cũng như gây sức ép lên thành phố Mykolaiv và những phòng tuyến của Ukraine gần thành phố Zaporizhzhia.
Các lực lượng Nga đang tiếp tục khép gọng kìm với Mariupol, chiếm các thị trấn xung quanh và mở rộng hành lang nối Crimea với Donetsk. Chỉ có một dải bờ biển nhỏ, tập trung quanh thành phố cảng Odesa, hiện do Ukraine kiểm soát.
Không chỉ vũ khí, một lượng lớn chiến binh nước ngoài cũng đang hướng về Ukraine bằng nhiều con đường.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov, hơn 60.000 công dân nước này đã trở về và đang tham gia chiến đấu. Kiev cho hay khoảng 20.000 tình nguyện viên nước ngoài đã nộp đơn xin gia nhập quân đoàn quốc tế mới được thành lập nhằm đối đầu với Nga.
Nga cũng tuyên bố sẽ tiếp nhận các tay súng nước ngoài, chủ yếu đến từ Syria, những người có kinh nghiệm tác chiến đô thị, nhằm tăng cường sức mạnh cho các lực lượng vũ trang đang tham gia chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Giao tranh ở thế giằng co hiện nay là một bất ngờ lớn trong cuộc xung đột bởi trước khi chiến dịch quân sự của Nga được phát động, hầu hết giới chuyên gia đều cho rằng với ưu thế áp đảo, Moskva có thể nhanh chóng giành chiến thắng.
Giao tranh mở về phía tây
Nga nhận thấy dòng vũ khí và quân lực hỗ trợ Ukraine đang ảnh hưởng không nhỏ đến chiến dịch của họ, vậy nên, Moskva đã thực hiện một số bước để ngăn chặn dòng chảy này.
Các căn cứ không quân tại Ivano-Frankivsk và Lutsk, phía tây Ukraine, đã bị tấn công và hư hại nghiêm trọng trong nỗ lực của Nga nhằm làm suy giảm lực lượng Ukraine.
Căn cứ của Ukraine ở Yavoriv, gần biên giới Ba Lan, nơi được sử dụng để huấn luyện các chiến binh nước ngoài, đã bị vô hiệu quá bởi các cuộc tấn công tên lửa khi Nga cố gắng ngăn dòng người và khí tài đổ qua biên giới.
Nga đã chuyển trọng tâm từ các chiến trường ở phía đông sang phía tây vốn tương đối bình yên của Ukraine.
Sau khi Điện Kremlin cảnh báo sẽ nhắm vào các lô hàng vũ khí từ phương Tây chuyển đến Ukraine, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã tuyên bố sẽ có động thái phản ứng nếu bị tấn công ngoài biên giới Ukraine. NATO vì thế có nguy cơ bị kéo vào một cuộc xung đột lớn hơn khi Nga tìm cách ngăn dòng vũ khí đang đổ về phía đông cho quân đội Ukraine.
Một cuộc xung đột toàn diện trong khu vực, liên quan đến các cường quốc hạt nhân, là điều tất cả các bên đang cố gắng tránh vì hậu quả sẽ rất thảm khốc đối với Ukraine, Nga, Đông Âu và xa hơn nữa.
Bí ẩn đoàn xe Nga gần Kiev
Thủ đô Ukraine đã là mục tiêu chiến lược của Nga ngay từ đầu chiến dịch. Một đoàn xe khổng lồ gồm hàng trăm phương tiện, xe tăng, pháo binh, thiết giáp chở quân và xe tải tiếp liệu đã đổ về Kiev, chỉ dừng lại cách thành phố khoảng 25 km, nằm trong tầm bắn của pháo binh Ukraine.
Đoàn xe dừng lại ở đó, bất động trong 10 ngày qua, trở thành một mục tiêu dễ dàng nếu phía Ukraine tấn công.
Đây là một trong những bí ẩn lớn của cuộc xung đột cho đến nay. Tại sao các lực lượng Nga dừng lại dù đã tiến rất gần Kiev? Và tại sao đoàn xe ít nhất không tản ra để bảo vệ chính mình?
Có những đồn đoán rằng chỉ huy đoàn xe đã bị tấn công nên nó phải dừng lại hay các phương tiện đã hết nhiên liệu nên không thể đi tiếp.
Nhưng còn một câu hỏi khác đặt ra là: Vì sao pháo binh tầm xa Ukraine không tấn công đoàn xe nhằm bào mòn sức mạnh các lực lượng Nga?
Ukraine hiện sở hữu khoảng 80 tên lửa dẫn đường chính xác Alder được sản xuất trong nước, với tầm bắn 70 km, có thể nhắm trúng toàn bộ đoàn xe quân sự Nga. Nhưng họ không khai hỏa.
Việc Ukraine không tấn công một mục tiêu gần như tĩnh như vậy khiến các nhà quan sát bên ngoài bối rối. Lời giải thích phổ biến nhất của người Ukraine là họ không muốn leo thang xung đột bằng cách gây ra lượng lớn thương vong cho Nga.
Phía nam: Mariupol và Odesa
Khi Nga tập trung vào nỗ lực bao vây các thành phố, mặt trận phía nam là nơi họ thu được nhiều thành công hơn. Phần lớn đường bờ biển hiện nằm trong kiểm soát của Nga.
Thành phố Mariupol là trở ngại duy nhất ngăn Nga nối bán đảo Crimea với Donetsk. Một số cuộc giao tranh dữ dội đã nổ ra ở đây khiến thành phố bị thiệt hại nghiêm trọng.
Trong khi phía Ukraine vẫn tiếp tục kháng cự, vấn đề nguồn cung đang trở thành một thách thức lớn và khủng hoảng nhân đạo đang trở nên tồi tệ hơn, bất chấp những nỗ lực liên tiếp nhằm mở ra các hành lang sơ tán dân thường rời khỏi thành phố. Nga đến nay đã kiểm soát thành công các thị trấn ở phía bắc Mariupol.
Một đội tàu đổ bộ lớn của Nga được cho là đang tiếp cận Odesa từ bán đảo Crimea. Nếu Nga kiểm soát được Odesa, đây sẽ là một đòn giáng mạnh vào nỗ lực kháng cự của Ukraine, vì cảng này xử lý 2/3 lượng hàng hóa đến bằng đường biển.
Các đơn vị bộ binh cơ giới của Nga đang từ từ tiến lên phía bắc dọc theo cả hai phía của sông Dnepr. Các thành phố chiến lược Zaporizhzhia và Dnipro đã tự biến mình thành pháo đài trong bối cảnh họ đang ngập trong dòng người tị nạn chạy trốn khỏi giao tranh, làm căng thẳng thêm các nguồn lực vốn đã ít ỏi. Nằm ở khúc quanh của sông Dnepr chia cắt Ukraine từ bắc xuống nam, quyền kiểm soát hai thành phố này rất quan trọng đối với cả đôi bên khi các lực lượng Nga từng bước tiến lên phía bắc.
Giới quan sát đã nói nhiều về đà tiến công chậm của Nga nhưng bất chấp nỗ lực chống trả mạnh mẽ của Ukraine, họ vẫn đạt được những thành quả nhất định. Cuộc bao vây các thành phố phía tây Ukraine đang tiếp tục. Toàn bộ khu vực xung quanh Kherson hiện nằm dưới kiểm soát của Nga và một cuộc tấn công thành công vào Odesa sẽ ngăn Ukraine tiếp cận đường biển, chặn đứng phần lớn hàng hóa nhập khẩu cần thiết của đất nước.
Với rất nhiều nguy cơ cho cả hai bên, cuộc xung đột có vẻ sẽ không sớm kết thúc. Thương vong có thể tăng mạnh, các nước láng giềng của Ukraine đã gần đến điểm giới hạn khi người tị nạn tiếp tục đổ về biên giới. Nguy cơ leo thang luôn hiện hữu, đặc biệt khi uy tín chính trị của Tổng thống Nga Vladimir Putin hiện phụ thuộc rất lớn vào chiến dịch này, giới chuyên gia nhận định.
Vũ Hoàng (Theo Al Jazeera)