Thu dọn sạch sẽ một viện bảo tàng không phải nhiệm vụ dễ dàng và toàn bộ nhân viên tại Bảo tàng Quốc gia Andrey Sheptytsky ở thành phố Lviv, Ukraine, cả tuần qua đã phải chạy đua với thời gian để bảo quản, cất giấu toàn bộ kho báu vô giá mà nơi này lưu giữ.
"Nếu lịch sử và di sản của chúng tôi muốn tồn tại, tất cả các tác phẩm nghệ thuật phải được đưa xuống lòng đất", Ihor Kozhan, giám đốc viện bảo tàng, cho hay.
Trước chiến dịch quân sự do Nga phát động, trên khắp Ukraine, các nghệ sĩ, phòng trưng bày, quản lý hay giám đốc bảo tàng đang tuyệt vọng nhưng vẫn cẩn thận bóc tách, gói ghém và cất giấu kho tàng văn hóa khổng lồ của quốc gia. Các bức tượng, những khung cửa sổ kính màu xưa cũ và những tượng đài được bao phủ bằng vật liệu chống mảnh đạn. Những căn hầm dưới lòng đất nhồi nhét đầy tranh vẽ.
Khi tình hình chiến sự ngày càng dữ dội ở nửa phía đông đất nước, hai trong số các thành phố giàu có nhất về di sản văn hóa của Ukraine, Lviv, ở phía tây, và Odessa, ở phía nam, đang tận dụng thời gian yên bình còn lại để cố gắng bảo vệ những tác phẩm nghệ thuật của mình.
Những tình nguyện viên ở Odessa đã mất nhiều ngày để xếp hàng trăm bao cát xung quanh tượng đài Công tước Pháp Richelieu, một trong những người sáng lập thành phố cảng này. Chỉ đầu và cánh tay phải dang ra của ông không bị che đi.
Kiev và Kharkov, hai thành phố lớn nhất đất nước, là điểm nóng chiến sự ngay từ sớm và đã phải chịu nhiều tổn thất nghiêm trọng.
Các cửa sổ của bảo tàng nghệ thuật Kharkov đã bị thổi tung, khiến 25.000 tác phẩm nghệ thuật bên trong phải chịu nhiệt độ đóng băng và tuyết suốt nhiều tuần. Các nhà hát opera và ba lê của thành phố cũng chịu hư hại vì pháo kích.
25 tác phẩm của một trong những họa sĩ nổi tiếng nhất Ukraine, Maria Prymachenko, nổi tiếng với các bức tranh đầy màu sắc về văn hóa dân gian và cuộc sống nông thôn, đã bị cháy rụi khi bảo tàng lưu giữ chúng ở ngoại ô Kiev trúng pháo kích. Những bảo tàng khác ở thủ đô đều được gia cố nhưng các tác phẩm nghệ thuật vẫn còn bên trong vì những người có thể di chuyển chúng đều đã đi sơ tán.
"Các trung tâm thành phố bị hư hại nghiêm trọng, một số địa điểm và di tích có từ thế kỷ XI", Lazare Eloundou Assomo, giám đốc chương trình di sản thế giới của Liên Hợp Quốc, nói với phóng viên hồi tuần trước. "Cả một đời sống văn hóa có nguy cơ biến mất".
Trong lúc quân đội Nga tiến về Odessa, Bảo tàng Mỹ thuật ở đây đã tự gia cố bằng hàng rào dây thép gai.
Cũng như các bảo tàng ở Lviv, những bức tường bên trong Bảo tàng Mỹ thuật Odessa hiện trống trơn, giám đốc khoa học Kirill Lipatov cho biết nhưng ông từ chối tiết lộ liệu các tác phẩm có giá trị nhất của họ đã được sơ tán ra ngoài thành phố hay chưa.
Dù không muốn tin, nhiều giám đốc bảo tàng cho hay tình cảnh hiện nay thực tế không xa lạ với Ukraine. Trong Thế chiến II, hàng nghìn tác phẩm đã bị lính Đức Quốc xã cướp và mang về nước.
Các viện bảo tàng thường có boongke riêng và liên kết với một mạng lưới rộng lớn hơn ở châu Âu, giúp họ lưu trữ những tác phẩm nghệ thuật của mình. Tuy nhiên, các phòng trưng bày và nghệ sĩ độc lập Ukraine phải dựa vào nhau.
Một trong những nỗ lực thành công nhất để bảo vệ nghệ thuật đương đại của Ukraine đang được tiến hành ở thành phố phía tây Ivano-Frankivsk, nơi các nghệ sĩ đã chuyển đổi một quán cà phê dưới lòng đất thành boongke.
Làm việc cả ngày lẫn đêm, những tác phẩm của hơn 30 nghệ sĩ đã được chuyển đến đây từ khắp Ukraine. 11 nghệ sĩ bị mất nhà cửa cũng được cung cấp nơi cư trú để tiếp tục sáng tác nghệ thuật giữa chiến sự.
"Rất nhiều nghệ sĩ chúng tôi đang phân vân về vai trò của mình, ví như chúng tôi có nên cầm súng không? Nghệ thuật như một vũ khí nhưng liệu nó có quá chậm trễ không?", Anna Potyomkina, 25 tuổi, nhà giám tuyển bảo tàng, cho hay. "Nhưng tạo ra nghệ thuật giữa xung đột cũng là một phần quan trọng trong nỗ lực phản kháng".
Yaryna Shumska, một nghệ sĩ biểu diễn kiêm họa sĩ tại Lviv, muốn di dời các tác phẩm nghệ thuật quý giá nhất của cô đến Ivano-Frankivsk nhưng lo lắng chúng sẽ bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển. Nếu cần chạy trốn khỏi Lviv, cô có thể để lại tác phẩm của mình ở đó và hy vọng bom sẽ rơi ở nơi khác.
"Studio của bạn tôi ở Kharkov đã bị trúng bom và tất cả những gì còn lại là một thảm họa trống rỗng", Shumska nói. "Đó là một câu hỏi không thể tự hỏi bản thân: Liệu tôi có thể chia tay các tác phẩm của mình, những tác phẩm giống như một phần cơ thể tôi không?".
Số phận của rất nhiều tác phẩm nghệ thuật Ukraine cuối cùng sẽ phụ thuộc vào nơi những quả bom rơi xuống.
Lipatov cho biết Bảo tàng Mỹ thuật 123 tuổi của Odessa rất mỏng manh, đến nỗi nó chắc chắn sẽ cháy rụi nếu trúng đạn pháo.
Boongke ở Ivano-Frankivsk cũng không có khả năng chống bom. Một quả bom sẽ chôn vùi hàng trăm tác phẩm được cất giữ ở đó. Tuần trước, sân bay của thành phố đã trúng bom.
"Đây là tất cả những gì chúng tôi có thể làm lúc này", Potyomkina nói. "Giờ đây không ai nổi tiếng hơn ai, không ai ghen tị, tác phẩm nghệ thuật của mọi người đều như nhau. Tất cả những cạnh tranh và khủng hoảng hiện sinh đang tạm dừng. Chúng tôi phải làm mọi thứ có thể ngay bây giờ, nếu không, chúng tôi có nguy cơ mất tất cả".
Vũ Hoàng (Theo Washington Post)