Công dân của Canada, Gruzia, Ấn Độ, Nhật Bản, Anh và Mỹ nằm trong số những người tình nguyện tham gia chiến sự ở Ukraine, Reuters cùng các tổ chức truyền thông khác đưa tin.
Dưới đây là tóm tắt điều luật tại một số nước quy định việc công dân có được tham chiến ở nước ngoài hay không.
Mỹ
Trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết công dân nước này không bị cấm phục vụ trong quân đội của một quốc gia khác. Tham gia quân đội nước ngoài hoặc chiến đấu chống lại một quốc gia hòa bình với Mỹ có thể là căn cứ để từ bỏ quyền công dân tự nguyện, nhưng theo các tiền lệ của Tòa án Tối cao Mỹ, chiến đấu cho quân đội nước ngoài không thể được coi là cơ sở để tước quyền công dân của người Mỹ.
Đạo luật Trung Lập có từ năm 1794 cấm công dân gây chiến chống lại các chính phủ nước ngoài có mối quan hệ hòa bình với Washington. Người vi phạm phải chịu án tù lên đến ba năm.
Theo David Malet, giáo sư tại Đại học Mỹ ở Washington, luật này về lý thuyết có thể áp dụng cho các hoạt động quân sự tình nguyện nhằm chống lại chiến dịch của Nga tại Ukraine. Nó từng được sử dụng để truy tố những người Mỹ tham gia cuộc đảo chính ở Gambia vào năm 2014. Nhưng ngoài ra, nó hiếm khi được thi hành trong lịch sử hiện đại.
"Không có mối liên hệ nào với chủ nghĩa khủng bố trong nước, tôi khó có thể tưởng tượng người Mỹ có thể bị truy tố vì đã đến Ukraine", Malet nói.
Australia, Anh, Ấn Độ
Theo khuyến cáo đi lại được cập nhật hôm 9/3 của Bộ Ngoại giao Anh, người dân nước này đến Ukraine chiến đấu có thể bị truy tố khi trở về.
Khi được hỏi về những cáo buộc mà công dân đến chiến đấu ở Ukraine phải đối mặt, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Anh từ chối bình luận. Ngoại trưởng Anh cũng không phản hồi.
Đạo luật Nhập ngũ Nước ngoài của Anh, được cập nhật lần cuối năm 1870, cấm công dân tham gia quân đội nước ngoài chiến đấu với các nước hòa bình với Anh, nhưng nó không được áp dụng cho các cuộc xung đột hiện đại. Ngoại trưởng Anh ban đầu lên tiếng ủng hộ các công dân tình nguyện chiến đấu ở Ukraine, nhưng sau đó cảnh báo công dân không đến Ukraine.
Trong khi đó, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã kêu gọi công dân nước mình không tham gia chiến sự ở Ukraine, nói với các phóng viên vào tháng trước rằng có những "điểm không chắc chắn" về vị thế pháp lý của các chiến binh dân sự ở nước ngoài.
Bộ Nội vụ Ấn Độ không trả lời yêu cầu bình luận về tính hợp pháp nếu công dân gia nhập lực lượng Ukraine.
Liên quan đến trường hợp một số người Ấn Độ đến chiến đấu ở Iraq vào năm 2015, Bộ Nội vụ đã tuyên bố rằng việc cho phép người Ấn Độ tham gia vào cuộc xung đột của quốc gia khác "sẽ dẫn đến cáo buộc chính phủ Ấn Độ đang thúc đẩy khủng bố ở nước khác".
Nước chấp thuận
Đức cho biết họ sẽ không truy tố những người tình nguyện tham gia chiến sự ở Ukraine. Các lãnh đạo Đan Mạch và Latvia khẳng định sẽ cho phép nếu công dân của họ tình nguyện. Bộ trưởng Quốc phòng Canada Anita Anand nói đây là vấn đề thuộc phạm trù quyết định cá nhân.
Chiến binh nước ngoài bị bắt
Theo Daphné Richemond-Barak, giáo sư Trường Hành chính, Ngoại giao và Chiến lược tại Israel, luật pháp quốc tế yêu cầu các lực lượng Nga cho các chiến binh nước ngoài hưởng quy chế tù binh, bất kể quốc tịch. Điều đó có nghĩa Nga phải cung cấp cho những binh sĩ nước ngoài bị bắt tại Ukraine thức ăn, nước uống và điều trị y tế.
Tuy nhiên, một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga tuần trước tuyên bố "lính đánh thuê" phương Tây chiến đấu cho Ukraine sẽ không được coi là chiến binh hợp pháp và sẽ phải đối mặt với truy tố hình sự hoặc tệ hơn, hãng thông tấn Nga TASS đưa tin.
Các chiến binh tình nguyện có thể bị truy tố không?
Các chuyên gia cho biết những chiến binh tình nguyện nước ngoài sẽ chiến đấu với tư cách thành viên của quân đội Ukraine, họ sẽ không phải đối mặt với cáo buộc ở quê nhà về những hành động của họ trong xung đột, ngoại trừ khả năng bị truy tố về tội ác chiến tranh hay hành vi tương tự.
Vũ Hoàng (Theo Reuters)