"Chắc chắn là vậy", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói hôm 14/12 khi được hỏi liệu giới lãnh đạo Nga có chung quan điểm với Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Dmitry Medvedev, người từng cảnh báo các hệ thống phòng không Patriot và kíp vận hành NATO là "mục tiêu hợp pháp" nếu xuất hiện tại Ukraine.
Tuy nhiên, ông Peskov không bình luận về khả năng chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang hoàn thiện kế hoạch chuyển tên lửa Patriot tới Ukraine. "Đó mới là những gì được truyền thông tiết lộ. Đây là điều không đáng tin cậy trong giai đoạn này. Hãy cùng chờ thông tin chính thức", phát ngôn viên Điện Kremlin cho hay.
Đại sứ quán Nga tại Mỹ cho rằng cung cấp tên lửa Patriot cho Ukraine là động thái leo thang căng thẳng và có thể dẫn đến những hậu quả ngoài ý muốn. "Ngay cả khi không chuyển giao tên lửa Patriot, Mỹ vẫn đang can dự ngày càng sâu vào xung đột tại quốc gia hậu Liên Xô. Họ phải chịu trách nhiệm vì kéo dài và leo thang chiến sự ở Ukraine", đại sứ quán Nga cho hay.
Giới chức Mỹ chưa bình luận về thông tin.
CNN hôm 13/12 dẫn lời ba quan chức Mỹ giấu tên Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin sẽ sớm phê duyệt kế hoạch chuyển tên lửa Patriot và trình lên Tổng thống Biden ký duyệt. Binh sĩ Ukraine sẽ được huấn luyện vận hành tổ hợp này tại một căn cứ của lục quân Mỹ ở Đức.
Chưa rõ Mỹ sẽ giao bao nhiêu bệ phóng tên lửa Patriot cho Ukraine. Mỗi khẩu đội Patriot gồm một radar cảnh giới và bám bắt mục tiêu, hệ thống điện tử, xe chỉ huy, thiết bị phát điện và tối đa 8 xe chở đạn kiêm bệ phóng, mỗi chiếc mang được 4 tên lửa.
Ukraine nhiều lần kêu gọi Mỹ chuyển giao tổ hợp phòng không tầm xa tiên tiến có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo và hành trình, trong bối cảnh Nga triển khai nhiều đợt tập kích bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) nhằm vào hạ tầng trọng yếu của đối phương.
Truyền thông Mỹ nhận định nếu kế hoạch được thông qua, Patriot sẽ là tổ hợp phòng thủ tầm xa hiệu quả nhất được chuyển tới Ukraine. Các quan chức Mỹ khẳng định các tổ hợp Patriot sẽ giúp đảm bảo không phận của các nước thành viên NATO tại Đông Âu.
Tuy nhiên, thách thức hậu cần nhằm cung cấp tổ hợp Patriot cho Ukraine và vận hành chúng vẫn rất lớn. Một quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Biden khẳng định họ đưa ra quyết định do "thực tế những gì đang diễn ra trên thực địa", đề cập đến các đợt tập kích tên lửa dữ dội của Nga.
Không giống các tổ hợp phòng không tầm gần và tầm trung, một khẩu đội Patriot đòi hỏi hàng chục binh sĩ vận hành. Quá trình huấn luyện các kíp tên lửa Patriot thường kéo dài nhiều tháng.
Vũ Anh (Theo Reuters)