"Những động thái của Mỹ nhằm tiếp tục tham gia vào cuộc đối đầu với Nga trong khủng hoảng Ukraine làm gia tăng nguy cơ leo thang khó lường và đụng độ quân sự trực tiếp giữa hai cường quốc hạt nhân", Đại sứ quán Nga tại Washington đăng tuyên bố trên Telegram hôm 16/8.
Cơ quan này cáo buộc Mỹ "hành động mà không màng tới an ninh và lợi ích" của nước khác, cho rằng điều này góp phần làm tăng rủi ro, đồng thời kêu gọi Washington "xem xét kỹ hơn chính sách hạt nhân của mình".
Đại sứ quán Nga thêm rằng Mỹ gần đây đã rút khỏi hai thỏa thuận kiểm soát vũ khí quan trọng là Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung năm 1987, cấm một số loại tên lửa nhất định, và Hiệp ước Bầu trời Mở năm 1992, cho phép máy bay các nước giám sát hoạt động quân sự trên lãnh thổ của nhau.
Mỹ chưa bình luận về thông tin được đại sứ quán Nga đưa ra. Tuy nhiên, Washington trước đó cáo buộc Moskva bố trí binh sĩ, khí tài tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia ở miền nam Ukraine, khiến nguy cơ xảy ra thảm họa hạt nhân gia tăng.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 1/8 cho biết nước này "cực kỳ quan ngại" khi Nga sử dụng nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia làm nơi bố trí trận địa pháo, rocket để tấn công các lực lượng Ukraine gần đó.
"Phía Ukraine tất nhiên không thể đáp trả, nếu không sẽ xảy ra một tai nạn khủng khiếp liên quan nhà máy điện hạt nhân", ông Blinken nói, thêm rằng hành động của Nga "rất vô trách nhiệm".
Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia bị Nga kiểm soát ngay từ đầu chiến dịch quân sự hồi tháng hai, nhưng đang được các kỹ thuật viên người Ukraine vận hành. Nga và Ukraine đã cáo buộc lẫn nhau về các vụ pháo kích vào nhà máy, gây ra một số vụ hỏa hoạn và mất điện một phần.
Ngọc Ánh (Theo RT, Reuters)