"Có khả năng tên lửa Patriot Nhật Bản bán cho Mỹ sẽ được chuyển đến Ukraine như nhiều loại vũ khí khác. Việc tên lửa Nhật Bản rơi vào tay quân đội Ukraine sẽ bị coi là hành động thù địch rõ ràng nhằm vào Nga, dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng nhất đối với quan hệ song phương Moskva - Tokyo", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói hôm 27/12.
Quan chức Nga cảnh báo hoạt động xuất khẩu vũ khí sát thương từ Nhật sang Mỹ sẽ để lại những hệ quả tiêu cực với an ninh khu vực và thế giới, cho rằng quyết định thay đổi chính sách bán khí tài quân sự của Tokyo "chủ yếu nhằm phục vụ lợi ích của Washington".

Tổ hợp Patriot của Nhật Bản trong cuộc diễn tập ở tỉnh Osaka hồi năm 2022. Ảnh: Kyodo
"Phía Nhật không chỉ giẫm lên những nguyên tắc của chính mình, mà còn mất quyền kiểm soát vũ khí và để Mỹ đơn phương sử dụng chúng theo ý muốn. Mọi sự hỗ trợ quân sự cho Ukraine, cả trực tiếp và gián tiếp, chỉ kéo dài đau khổ và gia tăng số nạn nhân vô tội. Chính phủ Nhật Bản sẽ phải chịu một phần trách nhiệm với điều này", bà Zakharova nói thêm.
Giới chức Nhật Bản và Mỹ chưa bình luận về phát biểu này.
Nga coi Nhật Bản, cùng với Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Anh và Australia là quốc gia "thù địch". Tokyo cũng có quan hệ phức tạp với Moskva trước chiến sự Ukraine và hai bên chưa ký hiệp ước hòa bình sau Thế chiến II do tranh chấp quần đảo Kuril, khu vực Nhật Bản gọi là Lãnh thổ phương Bắc, hiện do Nga kiểm soát.
Tokyo tuần trước điều chỉnh quy định xuất khẩu thiết bị quân sự, mở đường để bán tên lửa phòng không Patriot PAC3 cho Washington. Nhật Bản đang tự sản xuất tên lửa PAC3 theo giấy phép từ nhà phát triển Lockheed Martin của Mỹ. Việc bán các hệ thống Patriot cho Mỹ sẽ đánh dấu lần đầu Nhật Bản xuất khẩu vũ khí sát thương kể từ khi Thế chiến II kết thúc.
Quan chức cấp cao trong đảng Dân chủ Tự do cầm quyền tại Nhật Bản nói rằng kế hoạch xuất khẩu tên lửa PAC3 được tiến hành theo đề nghị từ Mỹ. Các quan chức Mỹ giấu tên trước đó tiết lộ Tổng thống Joe Biden đã đặt vấn đề chuyển giao tên lửa Patriot với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida trong cuộc gặp hồi tháng 8, cũng như hội nghị cấp cao APEC tại San Francisco tháng 11.
Quy định xuất khẩu mới vẫn ngăn Nhật Bản chuyển vũ khí cho những nước đang tham gia xung đột, nhưng có thể gián tiếp giúp đỡ Ukraine thông qua lấp khoảng trống trong kho dự trữ của Mỹ và cho phép nước này có thêm phương án viện trợ quân sự.
Mỹ ngày càng trông đợi vào nguồn cung vũ khí hiện đại từ các đồng minh để lấp chỗ trống trong kho dự trữ và bảo đảm nguồn viện trợ cho Ukraine, trong bối cảnh sự phản đối của các nghị sĩ Cộng hòa tại quốc hội Mỹ làm dấy lên nghi ngờ về khả năng duy trì viện trợ của Washington trong lúc Kiev đang chuẩn bị cho mùa đông thứ hai trong chiến sự.
Vũ Anh (Theo TASS, Reuters, AFP)