Chia sẻ xung quanh thông tin "Hà Nội sẽ phạt người ra đường không vì mục đích thiết yếu", nhiều độc giả VnExpress đặt dấu hỏi tính pháp lý, mức độ khả thi của quy định mới này:
Tôi nghĩ khó mà xác định được người ra đường vì mục đích thiết yếu hay không nên việc phạt lại càng khó. Ví dụ, tôi nói tôi từ nhà đi đến siêu thị mua thực phẩm hoặc hiệu thuốc mua thuốc, vậy điều gì chứng minh việc tôi nói là đúng hay sai để phạt? Vì vậy, giải pháp ở đây không phải xử phạt người ra đường mà là xử phạt thật nghiêm các sơ sở kinh doanh không thiết yếu cố tình kinh doanh chui. Những tụ điểm công cộng tập trung đông người như công viên cần đóng cửa và có lực lượng chức năng giám sát, nhắc nhở những người vi phạm. Virus lây nhiễm cao khi có sự tiếp xúc, động chạm gần. Việc di chuyển ngoài đường giữa các phương tiện không tiềm ẩn nguy cơ lây nghiễm cao. Vậy nên nói phạt những người đi ra ngoài đường không rõ ràng và có phần hơi cực đoan.
Bây giờ phân tích những trường hợp được hay không được thì lãng phí mất thời gian chống dịch, sàng lọc người bệnh. Nếu một người ra đường và nói tôi đi siêu thị thì công an không đủ lực lượng để đi theo người dân xem họ có làm đúng không?
Luật cơ bản không rõ ràng, cả 100 người ra đường, dừng người ta lại rồi hỏi sao? Nếu họ trả lời đi siêu thị, thì "hòa cả làng". Hay vấn đề phải chứng minh đi siêu thị như thế nào là đúng, thế nào là không đúng, bán kính siêu thị cho phép mua đồ là bao xa...? Nói chung, cơ sở để phạt rất khó. Tất nhiên, quy định này sẽ hạn chế được một phần nào đó, ví dụ như việc đi tập thể dục...
Tôi đồng thuận nhưng cần phải kín kẽ trong quy định để khi thực hiện không xảy ra tranh cãi với cơ quan chức năng để rồi bị phạt oan. Với quy định như thế này thì sẽ rất nhiều người vô ý thức ra đường mà không bị phạt và ngược lại.
Lúc đang dịch bệnh đâu có ai muốn lấy xe chạy vòng vòng ngoài đường? Họ ra đường tức là có việc cần thiết mới đi, tuy vậy, cách nào để xác định được người ra đường không vì mục đích thiết yếu chưa được lãnh đạo thành phố đề cập, vậy thì làm sao phạt được?
Trừ khi nêu rõ, chứ thiết yếu và không thiết yếu rất khó phân định. Ví dụ như ngân hàng, phòng giao dịch được mở cửa, vậy khối văn phòng, kinh doanh có cần hoạt động không? Hay như khuyến khích thương mại điện tử, dịch vụ chuyển phát vẫn hoạt động, vậy còn những người đóng gói, kho bãi hàng hóa? Rất mong có hướng dẫn cụ thể. Tôi ủng hộ việc đóng cửa ở trong nhà, nhưng công ty vẫn làm việc thì phải làm sao?
Muốn phạt người ra đường không vì mục đích thiết yếu thì cũng phải có quy định cụ thể như: những mục đích nào là thiết yếu? Trước khi ra đường có phải báo ai không? Ai là người chứng nhận việc đó? Chứ nói chung chung như vậy thì rất khó cho người theo dõi giám sát và người thực hiện.
Làm sao xác định được "thiết yếu hay không thiết yếu"? Người dân sẽ có muôn vàn lý do hợp lý. Tốt nhất, chính quyền tập trung xử phạt nơi có tụ điểm đông người, không tuân thủ khoảng cách, không đeo khẩu trang, tụ tập ăn nhậu ngoài đường, hàng quán, đua xe, cờ bạc...
Cái khó ở đây là làm sao chứng minh được ai đó ra đường với lý do không phải thiết yếu? Nếu ai đo đang đi trên đường mà bị cơ quan chức năng chặn lại hỏi, họ chỉ đơn giản trả lời là đang đi mua thực phẩm là coi như thoát tội rồi.
Tôi ủng hộ giãn cách xã hội nhưng nên rõ ràng hơn. Cơ quan tôi không phải thiết yếu nhưng chưa cho nghỉ hay làm việc tại nhà. Vậy tôi đi làm có bị phạt không? Phạt bao nhiêu và theo điều luật nào? Tôi rất lo lắng chính quyền cấp cơ sở hiểu theo những cách khác nhau, thực thi mỗi nơi một kiểu thì rất không hay.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho mục Ý kiến tại đây.