(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Những ngày gần đây, hình ảnh cô bé tiểu học trường Quang Trung (Hải Phòng) bị bắt đứng ở cổng trường giữa trời nắng nóng, không được vào lớp làm tôi vô cùng tức giận và thất vọng với những giáo viên trường này.
Tôi suy nghĩ đến mất ngủ mặc dù cô bé chẳng phải con cháu gì của mình. Cô bé trong cái lứa tuổi cần phải được chăm sóc bằng tình thương, bằng sự bao bọc lại phải đứng lẻ loi giữa buổi trưa nắng chỉ vì sự vô tâm, ích kỷ của người lớn.
Trong bài viết "Những vết bầm và sự vô tâm trong giáo dục", tôi có đề cập đến việc các trường thường trao quyền lực cho những đứa trẻ, biến chúng thành "sao đỏ" để ghi nhận lại những sai phạm của các học sinh khác báo cho giáo viên. Những đối tượng mà khiến con tôi bị đánh bầm hai ống chân mà không dám phản kháng vì sợ bị ghi tên báo giáo viên. Thật không may, cô bé lớp một trường tiểu học Quang Trung bị bắt đứng ngoài cổng trường lại là một nạn nhân của sao đỏ (nhưng trách nhiệm vẫn thuộc về người lớn).
Plato, triết gia Hy Lạp có nói: "Thước đo giá trị một người là điều anh ta làm với quyền lực trong tay" (the measure of a man is what he does with power). Câu nói này nhắc nhở mọi người trong chúng ta về bản chất dễ thay đổi của mình khi chúng ta có quyền lực trong tay, ngay cả khi chúng ta là những người lớn, người trưởng thành.
Những đứa trẻ chưa có đầy đủ nhận thức mà được trao quyền lực vượt trên những bạn khác thì không có gì là chắc chắn chúng sẽ sử dụng chúng (quyền lực) một cách trung thực và công bằng. Điều này sẽ kéo theo việc các bạn học sinh khác khi bị đối xử bất công sẽ mất đi niềm tin vào sự công bằng trong xã hội ngay khi chúng là những đứa trẻ tiểu học, mất đi niềm tin vào tình yêu thương từ bạn bè, thầy cô, điều mà các em xứng đáng nhận được khi chúng đến trường.
>> Thấy khó hiểu khi phụ huynh so sánh giáo dục hiện nay với 'thời chúng tôi'
Tôi không có ý đổ lỗi cho các học sinh sao đỏ trong việc nhà trường để cô bé 7 tuổi phải đứng ở cổng trường giữa trời nắng nóng. Tôi chỉ mong muốn các trường, cụ thể là Bộ Giáo dục xem xét, đánh giá lại việc sử dụng học sinh để giám sát các học sinh khác.
Trách nhiệm quản lý, giáo dục học sinh là của giáo viên, của người lớn chứ không phải của các học sinh đồng cấp.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiếntại đây.
Henry Nguyễn