Chiều thứ sáu vừa rồi, ngay trước kỳ nghỉ lễ Giỗ Tổ, sau khi đi đón đứa con trai đi học về, thoáng nhận thấy vẻ hoảng sợ trên khuôn mặt cháu tôi thầm nghĩ cháu đã làm gì có lỗi hoặc bị điểm kém trong lớp, sợ bị ba mắng, cho nên tôi cũng không hỏi gì nhiều, sợ cháu bị áp lực.
Về đến nhà tôi phát hiện trên hai cẳng chân của cháu hàng chục vết bầm tím. Tôi gặng hỏi mãi cháu mới nói là bị năm bạn trong lớp đánh bằng cán chổi.
Cháu nói bị đánh buổi trưa sau khi ngủ dậy, cô giáo và cô bảo mẫu không biết chuyện này.
Thậm chí cháu còn không dám la lớn cũng như chống cự vì sợ bị sao đỏ ghi tên. Và khi bị sao đỏ ghi tên là sẽ bị cô giáo mắng (Trong bài này tôi không nói đến cái sai của việc trao quyền lực cho trẻ nhỏ).
Tôi gọi điện cho cô giáo của cháu đồng thời gởi hình chụp hai chân của cháu cho cô xem. Cô bảo cô không biết vì cháu không nói cho cô hay. Cô còn nói tôi hỏi tên bạn đã đánh cháu để báo cho cô biết để cô xử lý bạn đấy.
Tôi, một trong hàng hiệu người cha người mẹ trên đất nước Việt Nam này, buổi sáng chúng tôi đưa con đến trường và gởi trọn niềm tin của mình vào người 'mẹ hiền' ở trường. Vậy mà con tôi bị bạn đánh bầm tím hai chân mà cô chỉ nói cô không biết, một điều thực sự làm niềm tin của tôi vỡ vụn.
Cô còn muốn xử lý những đứa trẻ đã đánh con tôi. Lẽ ra cô phải có mặt ở đó để ngăn chặn việc đó xảy ra ra chứ không phải xử lý như ý của cô. Những đứa trẻ lên sáu, lên bảy không có lỗi, lỗi là ở tôi không dạy con mình biết tự vệ, lỗi của cô, cha mẹ các bạn khác không thể giáo dục học sinh và con cái mình.
Giáo viên đừng vì quan niệm trường công mà lơ là nhiệm vụ giáo dục của mình. Tôi biết mỗi lớp học có một cô giáo cùng một cô bảo mẫu, trong trường còn có các thầy cô giám thị, và những người bảo vệ. Nếu các thầy cô, anh chị làm hết trách nhiệm của mình thì chắc chắn con tôi và những đứa trẻ khác không bị như thế. Giáo dục tiểu học cần có sự quan tâm và yêu thương của cô giáo.
Tuần trước, tôi đã viết một bài ý kiến về các vụ việc gần đây liên quan đến bạo lực học đường và các trào lưu của học sinh sinh viên trong việc thần tượng các hiện tượng mạng xã hội. Bài viết phê phán cha mẹ gia đình trong việc bỏ bê con cái, cũng như nền tảng gia đình trong việc hình thành tính cách của trẻ em.
Trong bài viết đấy tôi nêu ý kiến nhiều bậc phụ huynh xem tiền đóng học phí cho con cái giống như bỏ tiền mua một món hàng sau đó họ phó mặc cho nhà trường và rũ bỏ trách nhiệm giáo dục con cái của mình. Tôi đứng về phía nhà trường, bênh vực những người làm giáo dục. Nhưng tối thứ sáu vừa rồi tôi đã xóa bài viết vì biết mình đã sai, phải là người trong cuộc thì mới có cái nhìn đa chiều hơn.
Tôi cũng làm việc trong ngành giáo dục, có lần tôi tham dự một lớp tập huấn về giáo dục, người giáo sư đặt một câu hỏi cho chúng tôi mà tôi vẫn cảm thấy phân vân đến tận bây giờ. Ông hỏi chúng tôi về những mong muốn của bản thân khi con cái mình lớn lên, không phải tất cả chúng ta đều có mong muốn lớn nhất là con cái mình có cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc, biết quý yêu thương mọi người hay sao, nhưng thực sự ai cũng muốn con mình giỏi toán, giỏi văn thay vì giỏi đạo đức. Một câu hỏi thực sự cần được mọi người trong chúng ta lưu tâm.
Một học sinh, một cô giáo, một trường học không đại diện cho cả nền giáo dục, nhưng đừng vì vậy mà những người có trách nhiệm bỏ qua những dấu hiệu có thể gây ra những hệ lụy mang tính hệ thống trong tương lai. Bác Hồ có câu 'Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người', và ngạn ngữ phương Tây cũng có câu ' bạn sẽ thu hoạch những gì bạn gieo cấy' (you reap what you sow). Hãy để nền giáo dục của chúng ta thu hoạch được quả ngon ngọt trong tương lai bằng những hành động thiết thực ngay hôm nay.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.