"Chúng ta đang đứng trước ngã ba đường, trong đó một hướng là sự biến mất của các cơ chế kiểm soát vũ khí quốc tế, dẫn đến sự bùng nổ của vũ khí hủy diệt hàng loạt, tiềm ẩn nhiều hậu quả nguy hiểm", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 18/4 phát biểu tại hội nghị do NATO và Bộ Ngoại giao Mỹ chủ trì.
Tuyên bố được ông Stoltenberg đưa ra vài tuần sau khi Nga đình chỉ tham gia New START, hiệp ước kiểm soát hạt nhân cuối cùng với Mỹ, và có kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus. Ông cho rằng quyết định này khiến Nga trở thành "mối đe dọa trực diện với an ninh NATO".
Tổng thư ký NATO cũng bày tỏ lo ngại khi Trung Quốc "đẩy nhanh tốc độ phát triển kho vũ khí hạt nhân mà không minh bạch về năng lực hạt nhân". Theo ông, Trung Quốc dự kiến sở hữu 1.500 đầu đạn hạt nhân vào năm 2035.
Ông còn chỉ trích Iran và Triều Tiên đang "tìm cách phát triển chương trình hạt nhân". Tuy nhiên, Stoltenberg khẳng định NATO sẵn sàng giúp các nước ngồi vào bàn đàm phán để thảo luận về thỏa thuận kiểm soát vũ khí mới.
"Cần lưu ý rằng thỏa thuận kiểm soát vũ khí không được đưa ra giữa những người bạn, mà là các đối thủ với nhau", ông nói. "Một số thỏa thuận thành công nhất ra đời trong thời kỳ căng thẳng của Chiến tranh Lạnh. Điều này có thể xảy ra một lần nữa vào thời điểm này".
Tổng thư ký NATO nhấn mạnh tiềm năng hợp tác với Bắc Kinh về kiểm soát vũ khí. "Là một cường quốc, Trung Quốc có những trách nhiệm toàn cầu. Bắc Kinh cũng sẽ hưởng lợi từ tính minh bạch, khả năng dễ dự báo và an ninh của các thỏa thuận kiểm soát vũ khí", ông nói.
Moskva, Bắc Kinh, Tehran và Bình Nhưỡng chưa bình luận về phát biểu của ông Stoltenberg.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Moskva và Washington đang sở hữu 90% số đầu đạn hạt nhân trên toàn thế giới. Nga có 5.977 đầu đạn vào thời điểm đầu năm 2022, trong đó hơn 1.600 có thể sẵn sàng được sử dụng.
Nga hồi tháng 2 đình chỉ tham gia hiệp ước New START. Hồi đầu tháng, Moskva tuyên bố triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật đến sát biên giới phía tây Belarus, khu vực gần ba quốc gia thuộc NATO.
Học thuyết hạt nhân của Nga quy định nước này có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nếu bị tấn công nguyên tử hoặc phải đối mặt với một cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường đe dọa "sự tồn vong" của nhà nước Nga.
SIPRI ước tính Trung Quốc đang sở hữu khoảng 350 đầu đạn hạt nhân. Bắc Kinh áp dụng học thuyết "răn đe tối thiểu", chỉ duy trì số đầu đạn đủ để đảm bảo khả năng đáp trả, cũng là cường quốc hạt nhân duy nhất áp dụng chính sách "không khai hỏa trước" với vũ khí hạt nhân.
Viện Phân tích Quốc phòng Hàn Quốc ước tính Triều Tiên sở hữu khoảng 80-90 đầu đạn hạt nhân. Bình Nhưỡng năm ngoái tuyên bố là cường quốc hạt nhân "không thể đảo ngược" và ông Kim Jong-un gần đây kêu gọi tăng sản xuất vũ khí "theo cấp số nhân", trong đó có vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Trong khi đó, Iran khẳng định chương trình hạt nhân của nước này chỉ nhằm mục đích hòa bình và phục vụ hoạt động dân sự, chưa bao giờ có tham vọng sở hữu vũ khí nguyên tử.
Iran ký thỏa thuận Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) với các cường quốc năm 2015, trong đó Tehran sẽ hạn chế hoạt động hạt nhân để được dỡ bỏ một phần các lệnh trừng phạt. Nhưng thỏa thuận chưa được khôi phục sau khi tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi JCPOA năm 2018.
Hồi tháng 3, Mỹ nói Iran có thể chế tạo đủ nguyên liệu phân hạch cho bom nguyên tử trong 12 ngày, thay vì 12 tháng như trước.
Đức Trung (Theo Politico)