Mỗi sáng dắt chó đi dạo, nhà báo Ba Lan Tomasz Czescik đều giật mình vì tiếng loa phát ra từ bên trong căn cứ quân sự nằm giữa khu rừng gần nhà. Tiếng loa bật quốc thiều Mỹ từ bên kia hàng rào thép gai gắn biển báo "Tránh xa" bằng tiếng Ba Lan, Anh, Đức và Nga.
"Tôi không biết bất kỳ ai từng vào trong đó", Czescik nói, chỉ tay qua hàng rào về phía một cụm tòa nhà ở đằng xa.
Hàng rào thép gai, được các binh sĩ Ba Lan bảo vệ, là vành đai bên ngoài một cơ sở quân sự rất nhạy cảm của NATO, dự kiến đi vào hoạt động trong năm nay, mà Washington khẳng định sẽ giúp bảo vệ châu Âu và Mỹ khỏi nguy cơ bị tên lửa đạn đạo tấn công.
Nhưng đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, căn cứ quân sự ở ngôi làng Redzikowo, phía bắc Ba Lan này và một căn cứ khác ở Romania lại như cái gai trong mắt, là bằng chứng về mối đe dọa từ nỗ lực mở rộng về phía đông của NATO.
Lầu Năm Góc mô tả hai căn cứ trên chỉ phục vụ mục đích phòng thủ và không liên quan đến Nga, nhưng Điện Kremlin cho rằng chúng có thể được sử dụng để bắn hạ tên lửa Nga hoặc phóng tên lửa hành trình có khả năng tập kích thủ đô Moskva.
Moskva ngày 16/2 thông báo rút thêm quân khỏi biên giới Ukraine và Kiev đã ra tín hiệu rằng họ sẵn sàng từ bỏ tham vọng gia nhập NATO, một trong những điểm gây căng thẳng nhất đối với cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay.
Nhưng căng thẳng lại gia tăng sau đó khi một quan chức Mỹ cáo buộc tuyên bố của Nga về việc giảm bớt hiện diện quân sự ở biên giới Ukraine là "sai sự thật" và rằng có bằng chứng mới cho thấy Moskva vẫn đang tập hợp lực lượng đủ để phát động đòn tấn công vào bất cứ lúc nào.
NATO giảm hiện diện quân sự ở Đông và Trung Âu là một trong những đề xuất an ninh mà Tổng thống Putin yêu cầu phương Tây phải đáp ứng để hạ nhiệt khủng hoảng Ukraine, điều mà Washington và các lãnh đạo châu Âu đã thẳng thừng từ chối.
Putin đã bày tỏ quan ngại về hệ thống tên lửa Mỹ gần biên giới Nga kể từ khi căn cứ ở Romania đi vào hoạt động năm 2016. Nỗi lo ngại đó càng lớn hơn khi Ba Lan xây dựng căn cứ tên lửa mới ở làng Redzikowo, chỉ cách vùng lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad của Nga khoảng 160 km và cách Moskva gần 1.300 km.
"Chúng ta có triển khai tên lửa gần biên giới Mỹ không? Không. Chính Mỹ đã mang tên lửa đến trước ngưỡng cửa nhà chúng ta", Putin nói tại cuộc họp báo thường niên hồi tháng 12/2021.
Căn cứ Redzikowo là nơi Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ Aegis Ashore, với các radar hiện đại có khả năng phát hiện, theo dõi tên lửa đối phương và dẫn đường cho tên lửa đánh chặn hạ gục chúng trên bầu trời. Nó cũng trang bị các bệ phóng tên lửa MK 41, thứ mà Nga lo ngại có thể dễ dàng khai hỏa tên lửa hành trình tấn công như Tomahawk.
Khi biết rằng mình đang sống ở nơi có thể nằm trong danh sách "mục tiêu ưu tiên" của Nga, nhiều người dân làng Redzikowo cảm thấy hoang mang.
Ryszard Kwiatkowski, kỹ sư dân dụng, cho biết một khách hàng đặt mua căn hộ trong khu nhà mới mà công ty ông đang xây gần đây đã gọi điện xin hủy vì sợ rằng Nga có thể tấn công căn cứ phòng thủ tên lửa ở Redzikowo và khiến giá trị tài sản lao dốc.
Không ai thực sự nghĩ điều đó có thể xảy ra, bởi nó sẽ đẩy Nga vào thế xung đột trực tiếp với NATO, liên minh quân sự đã kết nạp Ba Lan từ năm 1999. Nhưng hy vọng về một châu Âu thống nhất và hòa bình đang dần phai mờ, khi Nga điều động hơn 100.000 quân đến biên giới gần Ukraine, còn Mỹ cũng triển khai hàng nghìn binh sĩ bổ sung đến Ba Lan.
Theo Kwiatkowski, người đã tham gia các cuộc biểu tình phản đối căn cứ Mỹ tại Redzikowo khi dự án được công bố năm 2016, Nga đã gây bất ổn khi phóng đại mối đe dọa từ NATO. Tuy nhiên, ông thêm rằng cả hai bên đều đã tạo ra "một cỗ máy sợ hãi tự vận hành" được thúc đẩy bởi bóng đen mơ hồ về những gì phía kia đang làm.
Thomas Graham, giám đốc phụ trách về Nga trong Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ dưới thời tổng thống George W. Bush, cho biết Moskva chưa bao giờ tin những lời đảm bảo của Washington rằng hệ thống phòng thủ tên lửa của họ chỉ nhằm vào Iran, không phải Nga. Vì thế, họ đang cố gắng tìm cách thay đổi thông qua nhiều biện pháp khác nhau, trong đó có phô diễn sức mạnh quân sự.
"Cuộc khủng hoảng hiện tại không chỉ là về Ukraine", Graham nói, "Ukraine là một điểm tựa, nhưng nó còn liên quan tới Ba Lan, Romania và các nước vùng Baltic. Người Nga tin rằng đã đến lúc thay đổi trật tự hậu Chiến tranh Lạnh ở châu Âu theo hướng có lợi cho họ".
Trong cuộc họp với Tổng thống Putin hồi đầu tuần, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nhấn mạnh Moskva muốn thấy "những thay đổi cơ bản về an ninh châu Âu", những thay đổi sâu rộng vượt ra khỏi vấn đề Ukraine, trong đó bao gồm cả việc NATO rút lực lượng quân sự đang đóng ở Đông Âu, hạn chế triển khai vũ khí tấn công và tên lửa tầm trung.
Tomasz Smura, thành viên cấp cao Tổ chức Casimir Pulaski, một nhóm nghiên cứu ở Warsaw, Ba Lan, đánh giá "đây là vấn đề rất quan trọng với Nga". Nhưng đóng cửa căn cứ Redzikowo, theo mong muốn của Nga, lại là "lằn ranh đỏ" mà Mỹ và Ba Lan sẽ không vượt qua.
Dù vậy, để đáp ứng danh sách các yêu cầu an ninh Nga công bố hồi tháng 12/2021, NATO gần đây đã đề nghị thảo luận về một "cơ chế minh bạch" với hy vọng xoa dịu lo ngại của Moskva về các căn cứ tên lửa ở Ba Lan và Romania.
Nhưng Nga còn muốn nhiều hơn thế.
Nga lâu nay vẫn coi khả năng phòng thủ tên lửa của Mỹ là mối đe dọa với nước này. Khả năng Mỹ có thể bắn hạ tên lửa đạn đạo Nga làm suy yếu học thuyết răn đe hạt nhân. Theo học thuyết này, hai cường quốc hạt nhân lớn nhất không bao giờ có nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân, vì điều đó sẽ dẫn đến kịch bản cả hai đều bị hủy diệt.
Trong Chiến tranh Lạnh, Nga và Mỹ đều nỗ lực phát triển hệ thống phòng thủ chống tên lửa, nhưng đã đồng ý từ bỏ chương trình lá chắn tên lửa vào năm 1972 để tránh gây tổn thương lẫn nhau và giúp xây dựng hòa bình.
Thỏa thuận đó đã phát huy hiệu quả gần 30 năm. Tuy nhiên, tháng 12/2001, tổng thống Mỹ khi đó George W. Bush đã khiến người đồng cấp Nga Putin, lúc bấy giờ đang ở năm thứ hai nhiệm kỳ, tức giận vì rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo năm 1972 và chỉ đạo Lầu Năm Góc xây dựng một hệ thống ngăn chặn các mối đe dọa tiềm tàng từ tên lửa Iran.
Việc Mỹ rút khỏi hiệp ước nền tảng của quan hệ siêu cường suốt nhiều thập kỷ kể từ đó được Điện Kremlin nhắc đi nhắc lại như là khởi đầu cho mối bất đồng Nga - Mỹ, bởi Tổng thống Putin cho rằng lợi ích của Nga đang bị chà đạp.
"Chúng tôi đã cố gắng trong một thời gian dài để thuyết phục các đối tác không làm điều đó", Putin nói trong tháng này tại Điện Kremlin. "Tuy nhiên, Mỹ đã làm những gì họ làm, rút khỏi hiệp ước. Giờ đây, các bệ phóng tên lửa đạn đạo đã được triển khai ở Romania và đang được thiết lập ở Ba Lan".
Ông nhấn mạnh nếu Ukraine xích lại gần NATO, "họ sẽ thành nơi chứa đầy vũ khí phương Tây. Các vũ khí tấn công hiện đại sẽ được triển khai trên lãnh thổ của họ giống như ở Ba Lan hay Romania".
Hệ thống Aegis Ashore ở Romania đã hoạt động trong 5 năm qua mà không xảy ra bất kỳ sự cố nào, nhưng Nga coi căn cứ phòng thủ tên lửa của Ba Lan là mối đe dọa nghiêm trọng hơn.
Hệ thống vũ khí Aegis Ashore đã được lắp đặt vào mùa hè năm ngoái tại cơ sở này, dự kiến bắt đầu hoạt động trong năm nay, chuẩn đô đốc Tom Druggan, giám đốc chương trình, cho biết hồi tháng 11/2021. "Nó chắc chắn không tập trung vào các mối đe dọa từ Nga, bất chấp những gì họ nói", ông khẳng định.
Tuy nhiên, những đảm bảo từ Mỹ rằng chỉ Iran mới phải lo lắng về hệ thống phòng thủ tên lửa của họ đã bị phá hoại dưới thời chính quyền tổng thống Donald Trump khi ông tuyên bố chúng sẽ "phát hiện và tiêu diệt bất kỳ tên lửa nào được phóng chống lại Mỹ ở bất cứ đâu, bất kỳ lúc nào".
Washington đã phải tìm cách thuyết phục Putin rằng hai căn cứ phòng thủ tên lửa của họ ở Đông Âu không có khả năng tấn công nhằm vào các mục tiêu ở Nga.
Đáp lại những phàn nàn từ Moskva, tháng trước, NATO tuyên bố các tên lửa đánh chặn tại những địa điểm triển khai hệ thống Aegis Ashore "không thể làm suy yếu khả năng răn đe chiến lược của Nga" và "không thể sử dụng cho các mục đích tấn công". Họ lưu ý thêm rằng các tên lửa đánh chặn không chứa chất nổ và không thể đánh trúng mục tiêu mặt đất, mà chỉ nhắm vào các vật thể trên không.
"Ngoài ra, các địa điểm đó còn thiếu phần mềm, phần cứng cũng như cơ sở hạ tầng cần thiết để phóng tên lửa tấn công", NATO cho hay.
Tuy nhiên, một số chuyên gia độc lập tin rằng các bệ phóng MK 41 tại căn cứ ở Ba Lan và Romania có thể khai hỏa không chỉ tên lửa đánh chặn, mà còn cả tên lửa hành trình tấn công.
Matt Korda, chuyên gia phân tích tại Liên đoàn các Nhà khoa học Mỹ, cho biết "nếu không kiểm tra trực tiếp, không có cách nào xác định liệu phần cứng và phần mềm dành riêng cho tên lửa Tomahawk đã được cài đặt tại các địa điểm triển khai Aegis Ashore ở châu Âu hay chưa".
Cho đến nay, chỉ quân nhân NATO hoặc các đơn vị kiểm soát của họ mới được phép đến gần bệ phóng.
Beata Jurys, trưởng làng Redzikowo, cho hay bà chưa bao giờ vào bên trong cơ sở này, được xây dựng trong khuôn viên một căn cứ không quân cũ của Ba Lan và một sân bay dân sự đã đóng cửa.
Jurys lo ngại tranh cãi giữa Moskva và Washington về căn cứ này sẽ biến ngôi làng trở thành mục tiêu tiềm năng nếu chiến tranh bùng phát. "Nếu có chuyện xảy ra, thật không may, chúng tôi sẽ là những người biết đầu tiên", bà nói.
Xem thêm:
- 5 câu hỏi về khủng hoảng Ukraine
- Bốn tháng khủng hoảng Nga - Ukraine sục sôi
- Vì sao Nga không động binh với Ukraine?
- Mỹ muốn gì trong khủng hoảng Ukraine?
Vũ Hoàng (Theo NY Times)