Bác sĩ Nguyễn Minh Luân, chuyên viên y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết miền Nam chuẩn bị bước vào mùa hè, nhiệt độ ngoài trời có thể tăng cao từ 37-40 độ C khiến cho trẻ em, người lớn tuổi, người bị bệnh lý nền dễ mắc bệnh và nhập viện.
Bên cạnh đó, dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 đang đến gần, người dân sẽ tăng tần suất đi lại, giao thương, dẫn đến nguy cơ lây các bệnh truyền nhiễm như cúm, sởi, phế cầu, ho gà, viêm màng não, viêm não Nhật Bản, dại... cũng tăng lên. Do đó, bác sĩ khuyên người dân chủ động phòng 5 loại bệnh dưới đây nhờ vaccine, để có dịp nghỉ lễ trọn vẹn bên người thân.
Vaccine phòng viêm màng não
Viêm màng não xuất hiện rải rác quanh năm, xu hướng tăng vào khi giao mùa hoặc nắng nóng. Bệnh do nhiều tác nhân khác nhau, gồm virus, vi khuẩn, nấm... Trong đó, tác nhân vi khuẩn thường gặp nhất là Hib, phế cầu, não mô cầu.
Theo Bộ Y tế, mùa hè thường là các tháng cao điểm của bệnh viêm màng não, viêm não do thời tiết thuận lợi cho vi khuẩn, virus, côn trùng truyền bệnh phát triển. Bệnh có tỷ lệ tử vong cao, để lại di chứng nặng nề nếu khỏi bệnh, do đó cần chủ động phòng ngừa.
Bác sĩ Luân cho biết hầu hết tác nhân gây viêm màng não có thể phòng ngừa bằng vaccine. Phụ huynh nên chủ động cho trẻ tiêm ngừa các loại vaccine não mô cầu, phế cầu khuẩn, vi khuẩn Hib... hiệu quả bảo vệ đến 97%.
Các vaccine có thành phần phòng Hib gồm 5 trong 1, 6 trong 1, Quimi-Hib tiêm được cho trẻ từ 2 tháng. Để phòng phế cầu khuẩn, người tiêm có thể lựa chọn vaccine Synflorix (Bỉ), Prevenar 13 (Bỉ) tiêm từ 2 tháng (trẻ tiêm sớm khi 1,5 tháng). Với não mô cầu, mọi người cần tiêm phòng đầy đủ 5 nhóm huyết thanh phổ biến ở Việt Nam là A, B, C, Y, W-135. Trong đó, vaccine phòng nhóm B (Bexsero) tiêm được từ 2 tháng, vaccine phòng nhóm BC (Mengoc BC) tiêm từ 6 tháng, đến 9 tháng cần tiêm phòng nhóm A, C, Y, W135 (Menactra).
Vaccine phòng viêm não Nhật Bản
Theo một số thống kê, tỷ lệ mắc viêm não Nhật Bản B ở trẻ em thường cao hơn khi giao mùa, đặc biệt mùa mưa ở các tỉnh miền Nam. Đây là bệnh cấp tính nguy hiểm lây qua muỗi đốt.
Viêm não Nhật Bản có tỷ lệ tử vong đến 30%. Khoảng 50% trường hợp sống sót sau khi mắc bệnh bị tổn thương não vĩnh viễn với các di chứng vận động và tâm thần, giảm khả năng giao tiếp, giảm hoặc mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Hiện bệnh đã có vaccine phòng ngừa. Tại Việt Nam, vaccine có mặt trong chương trình Tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ, ví dụ Jevax (Việt Nam), Imojev (Pháp) và JEEV (Ấn Độ), hiệu quả hơn 95%.
Vaccine phòng bệnh hô hấp
Bệnh đường hô hấp thường xảy ra vào mùa đông, song mùa hè vẫn có nhiều yếu tố thuận lợi làm gia tăng tỷ lệ mắc. Ví dụ khí hậu nóng ẩm tạo điều kiện cho một số virus, vi khuẩn phát triển; nhiều người tăng sử dụng điều hòa khi nắng nóng, nhiệt độ chênh lệch ngoài trời và trong phòng quá cao, khiến niêm mạc mũi họng bị khô dễ viêm đường hô hấp. Trời nóng nực cũng khiến người dân ăn ngủ kém, giảm đề kháng, dễ tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp như viêm phổi, amidan, xoang...
Để phòng tránh các bệnh trên, bác sĩ Luân lưu ý mọi nhà không để nhiệt độ điều hòa quá thấp so với nhiệt độ ngoài trời. Mọi người bổ sung đủ nước, ăn uống đủ các chất, tiêm đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh hô hấp gồm: cúm, phế cầu, ho gà - bạch hầu- uốn ván, thủy đậu, sởi...
Vaccine ngăn bệnh tiêu hóa
Nắng nóng ngày hè là điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn phát triển sinh sôi gấp 3 lần so với nhiệt độ bình thường. Rất nhiều vi khuẩn như Salmonella typhi, e.coli, tả, và virus viêm gan A, rotavirus có thể gây hại cho cơ thể. Điểm chung của các mầm bệnh nói trên là gây tình trạng nhiễm trùng đường tiêu hóa với các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy...
Mầm bệnh có khả năng lây lan nhanh hơn ở nơi đông người, ví dụ khu du lịch, khu vực công cộng vào dịp lễ. Bác sĩ Luân khuyến cáo mọi người mang theo các loại thuốc phòng tiêu chảy, chọn thực phẩm và địa điểm ăn uống, nguồn nước sử dụng kỹ lưỡng. Trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, người dân nên vệ sinh tay, vệ sinh cá nhân sạch sẽ.
Một số mặt bệnh như Rotavirus, tả, thương hàn, bại liệt, viêm gan A đã có vaccine phòng ngừa. Các loại vaccine được chứng minh hiệu quả trên 80%, an toàn. Trẻ em và người lớn có thể liên hệ với các cơ sở tiêm chủng để được tư vấn lịch tiêm chủng phù hợp, đảm bảo sức khỏe đường tiêu hóa.
Vaccine dại
Theo Cục Y tế Dự phòng, bệnh dại do virus Rhabdovirus, lây truyền từ động vật sang người. Bệnh thường có xu hướng tăng cao vào mùa nắng nóng.
Bác sĩ Luân lý giải tháng 5-8, nhiệt độ cao hơn mức trung bình khiến các động vật mang virus dại như chuột, dơi... hoạt động tích cực hơn. Điều này làm tăng cơ hội lây truyền virus dại giữa các loài. Đồng thời, mùa hè là lúc trẻ em được nghỉ hè, có thể nô đùa ở những nơi có vật nuôi được thả rông, làm tăng nguy cơ bị con vật tấn công và lây nhiễm bệnh dại.
Bên cạnh đó, ba tháng đầu năm 2024, cơ quan quản lý y tế liên tục cảnh báo người dân phòng chống bệnh dại, do số ca mắc đã tăng 16 ca so với cùng kỳ. Mỗi năm, toàn quốc tiêu tốn khoảng 800 tỷ đồng/năm chỉ riêng cho vaccine, huyết thanh kháng dại trên người, chưa bao gồm gánh nặng chi phí vết thương và gián tiếp.
Theo bác sĩ Luân, thực tế 100% số ca tử vong dại do không tiêm vaccine, tiêm muộn hoặc không đúng chỉ định. Do đó, bác sĩ khuyến cáo những người bị động vật tấn công, cần tiêm phòng dại càng sớm càng tốt, ngay sau khi bị cắn, cào, liếm. Nhóm nguy cơ cao như bác sĩ thú y, khách du lịch, nhà thám hiểm, trẻ em thường xuyên chơi với chó, mèo, người chăm sóc người nghi bị bệnh dại... cần chủ động tiêm dự phòng dại trước phơi nhiễm với phác đồ 3 mũi.
Mộc Thảo