Chắc hẳn tất cả mỗi người chúng ta ai cũng từng nghe qua những câu ca dao về "Thằng Bờm và cái quạt mo". Bờm không chịu đổi quạt mo để lấy "ba bò chín trâu", ao cá mè hoặc là gỗ lim nhưng chỉ chịu lấy nắm xôi.
Nắm xôi ở đây chính là cái lợi trước mắt mà nhiều bạn trẻ được khi tham gia chạy xe ôm công nghệ, vấn đề mà tôi đã đề cập trong bài viết "Chạy xe ôm công nghệ thanh niên bị cướp mất sức khỏe và tuổi thanh xuân".
Ba bò chín trâu, ao sâu cá mè, ba bè gỗ lim tượng trưng cho những thư rất quý giá đối với mỗi người trong chúng ta tuy nhiên chúng lại là những thứ không "ăn được ngay" mà phải cần có mồ hôi và sức lao động.
Và có lẽ nhiều người trong chúng ta sẽ không quên được bài học từ cấp hai: lao động chính là động lực phát triển của xã hội loài người.
Nhớ khi còn bé, có lần tôi xem ông ngoại làm trái (xử lý ra hoa) cho cây ăn trái trong vườn nhà bằng cách 'hành hạ' chúng như khắc cành, đốt gốc, bỏ hạn... tôi đã hỏi ông tại sao lại phải làm vậy, ông đã giảng giải cho tôi một bài học dù đã hơn 25 năm trôi qua tôi vẫn nhớ như in.
Ông bảo tôi, cây cối cũng như con người nếu chúng luôn được chăm bón đầy đủ phân thuốc thì chúng chỉ có lá chứ không thể có nhiều hoa trái. Con người chỉ chọn việc dễ, chỉ gặp thuận lợi, không có khó khăn thử thách thì cũng chỉ mãi là những kẻ tầm thường như một cái cây đầy lá.
Hiện nay các bậc cha mẹ cũng rất quan tâm đầu tư cho cho cái được ăn học đến nơi đến chốn. Tuy nhiên có khá nhiều bạn than vãn về việc mặc dù đã có bằng cử nhân cao đẳng, đại học thậm chí thạc sĩ nhưng vẫn không có được công việc đúng chuyên môn hoặc thu nhập thấp, tôi nghĩ các bạn hãy xem lại bản thân mình có xứng đáng để được trọng dụng hay để được trả lương cao không.
Khi còn đi làm, tôi gặp rất nhiều bạn có bằng cử nhân đại học nhưng không thể viết được một cái văn bản hoặc giao tiếp cơ bản được bằng tiếng Anh, đi làm các bạn không dám tới cơ quan sớm hơn vài phút nhưng luôn tranh thủ về sớm hơn năm mười phút so với thời gian quy định. Những điều này nhà quản lý họ chẳng thèm nói cho các bạn biết đâu, họ chỉ lưu tâm và xem xét có xứng đáng để được tăng lương hay thăng tiến hay không thôi.
Số đông các bạn không thể xin được việc vì các bạn không biết viết CV cá nhân hoặc đi phỏng vấn như thế nào. Nhiều nhà tuyển dụng chỉ xem CV và cách các bạn viết email giới thiệu là họ đã biết bạn như thế nào, nếu tôi nhận được một cái email không tiêu đề (subject) và lời chào cuối mail tôi sẽ xóa và bỏ qua luôn, chẳng cần biết nội dung có hay cỡ nào.
Có lần tôi phỏng vấn vài bạn ứng viên và chúng tôi chỉ chọn được một người nhưng vào buổi tối hôm đó, tôi nhận được một email cám ơn của một bạn ứng viên vì đã cho bạn ấy có cơ hội được phỏng vấn, chúng tôi đã tuyển dụng bạn ấy vì sự tử tế của bạn mặc dù bạn mặc dù bạn đã rớt ở phần phỏng vấn chính thức.
Tôi thậm chí còn gặp những bạn mặc áo thun, quần jean đi dép lê đi phỏng vấn mặc dù bạn đã là cử nhân. Gần như không có trường lớp nào dạy bạn viết CV, thư giới thiệu hay là kỹ năng phỏng vấn đâu, những điều này chỉ có khi các bạn lăn lộn trên trường đời.
>> Bài viết cùng tác giả:
>> Cha mẹ Việt nên đẩy con 'ra đường' làm thêm từ lúc còn đi học
>> Chừng nào còn làm may mặc, lắp ráp công nhân Việt còn nghèo
>> 'Du lịch Việt nhàm chán do sản phẩm không được đầu tư chất xám'
Đi dạy ở một vài trường đại học và cao đẳng ở TP HCM, tôi nhận ra có quá nhiều sinh viên đến trường theo cảm tính hoặc theo yêu cầu của cha mẹ chứ không phải vì đam mê. Có một bài báo tiêu đề "Xác sống giảng đường" đúng là đang nêu lên thực trạng của sinh viên ngày ngay.
Họ vật vờ nơi giảng đường như những cái xác vô hồn, đa phần chỉ mong điểm năm để qua môn chứ không đào sâu học tập nghiên cứu. Rất nhiều bạn sinh viên không ý thức được việc tự học mới là căn bản của giáo dục sau phổ thông, thầy cô chỉ là người định hướng và hướng dẫn cho các bạn.
Đa phần sinh viên ngày ngay đều nghiện game, mạng xã hội và điện thoại thông minh, cuốn sách có lẽ là vật quá lạ lẫm với các bạn. Trường tôi có một tủ sách với rất nhiều đầu sách hay nhưng đôi khi tôi quan sát cả ngày mới thấy được một bạn đọc sách, rất nhiều bạn có thể cắm mặt vào cái điện thoại hàng giờ liền nhưng chẳng bao giờ ngó ngàng đến những cuốn sách lẽ ra họ phải đọc để nâng cao tri thức và kỹ năng.
Trong phần đầu cuốn Khuyến học của Fukizawa Yukichi, cuốn sách gối đầu của người Nhật được viết các đây hơn 100 năm nhưng vẫn có những câu nói rất đáng để mọi người chúng ta và đặc biệt là thế hệ trẻ suy gẫm: "Trời không tạo ra người đứng trên người, mọi người sinh ra đều bình đẳng, nếu khác biệt là do học vấn".
Kiến thức chúng ta có được không chỉ đến từ thầy cô, trường lớp, mà đến từ lao động, công việc và cuộc sống. Chạy xe ôm công nghệ có lẽ cũng là một trải nghiệm thú vị nhưng tôi không nghĩ nó có thể giúp ích cho công việc tương lai, đặc biệt các bạn trẻ.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.