Bạn Henry Nguyễn cho rằng chạy xe ôm công nghệ thì phí hoài tuổi xuân. Tôi đồng ý với điều kiện Việt Nam đã là một quốc gia công nghiệp hóa. Thực tế nước ta chưa phải là một quốc gia công nghiệp hóa.
Một quốc gia công nghiệp hóa là nơi mà nền kinh tế lấy công nghiệp làm nền tảng và dịch vụ làm động lực phát triển kinh tế. Công nghiệp là kết tinh của trí thông minh logic (IQ) và dịch vụ là kết tinh của trí thông minh cơ hội (EQ). EQ luôn phải đặt trên nền tảng của IQ thì mới có thể đạt đến cái gọi là "phát triển".
Một quốc gia chưa công nghiệp hóa thì nền kinh tế chỉ dựa vào EQ. Nhưng các ngành dịch vụ làm sao nâng lên được khi nền tảng công nghiệp không mạnh, nhiều cơ sở vật chất hiện đại đều phải nhập ngoại. Muốn nhập ngoại phải có tiền. Mà để có tiền để nhập ngoại thì phải làm việc và tích tụ vốn gấp 7-8 lần một quốc gia đã công nghiệp hóa.
>> 'Ai cũng lên mặt và dạy đời tài xế xe ôm công nghệ'
Chạy xe ôm là một nghề dịch vụ. Phương tiện để hành nghề là cái xe. Cái xe ấy nước mình không làm được, phải nhập linh kiện về lắp. Giá bán của một chiếc xe máy có thể dùng để chạy dịch vụ là khoảng 30 triệu đồng, bằng 3 tháng lương trung bình của xã hội.
Cũng cái xe ấy, ở quốc gia đã công nghiệp hóa giá của nó có lẽ chỉ bằng tiền lương của một tuần làm việc bình thường. Người ta nỗ lực nghiên cứu khoa học, công nghiệp hóa sản xuất, nội địa hóa sản xuất là để cho hàng hóa làm ra ngày càng rẻ hơn.
Những ngành mà khoa học khó vươn tới được - dịch vụ - là những ngành hái ra tiền (tùy thuộc bạn có EQ đến đâu). Bạn có thể thấy thức ăn công nghiệp, đồ hộp các loại có giá rất rẻ so với thức ăn do con người tự tay chế biến nấu nướng. Cái sự đắt rẻ này là dựa vào đâu? Vào thời gian hoặc năng suất tùy theo cách hiểu của bạn.
Với thức ăn công nghiệp, chỉ với vài người điều khiển dây chuyền tự động, một ngày có thể làm ra cả trăm nghìn phần ăn. Nhưng với thức ăn do con người tự tay nấu nướng, cũng với số lượng người như thế, một ngày giỏi lắm là làm ra được vài trăm phần ăn.
>> 'Sếp nhắc nhở thì nhân viên tự ái, nói chạy xe ôm dễ kiếm tiền hơn'
Thức ăn công nghiệp, mọi phần ăn đều giống nhau đến từng chi tiết nhỏ nhất. Thức ăn do con người nấu, cũng món đó có người nấu ngon có người nấu không ngon, hoặc cũng một người nấu mà bữa nay ngon hôm sau dở (như trên đã nói là tùy thuộc vào EQ của bạn).
Một quốc gia chưa công nghiệp hóa thì điều kiện học tập sẽ rất eo hẹp. Có vô số ngành nghề mà quốc gia đã công nghiệp hóa có mà ta không có. Người ta làm sao dạy cho bạn cái nghề thiết kế - chế tạo linh kiện máy móc, thiết kế mẫu mã - kiểu dáng sản phẩm công nghiệp khi không có doanh nghiệp nào cần nghề này, hoặc, dạy ra rồi bạn sẽ đi làm ở đâu hay là lại làm trái ngành trái nghề, lãng phí thời gian công sức học tập?
Quanh đi quẩn lại chỉ ngần ấy nghề, vô số người học xong đi làm cạnh tranh kịch liệt, dẫn đến tiền công lao động ngày càng rẻ, cuối cùng rẻ đến mức không bù nổi chi phí học tập.
Trên thế giới, nghề có lương cao thường là nghề phải bỏ ra nhiều chất xám, còn ở Việt Nam nhiều nghề có lương cao chỉ đòi hỏi kỹ năng. Học để có kỹ năng nhanh và rẻ hơn nhiều so với học để làm sao sử dụng chất xám. Muốn học để sử dụng chất xám thì phải có vô số ngành nghề cần nhân lực có khả năng nghiên cứu, giải quyết vấn đề theo đơn đặt hàng. Những ngành nghề này chỉ có khi quốc gia đã công nghiệp hóa.
Những nghề làm công ăn lương bình thường có vô số cạnh tranh dẫn đến lương thấp, khiến người ta buộc phải "nhòm ngó" đến những việc có thu nhập cao hơn - xe ôm, taxi, bán nước giải khát..., mà ở những quốc gia đã công nghiệp hóa chỉ là những nghề "lót đáy".
Có người hỏi, bệnh viện quá tải sao không xây thêm bệnh viện, đào tạo thêm bác sĩ? Bệnh viện có thể xây, bác sĩ có thể đào tạo nhưng máy móc y cụ thì phải mua mà những thứ đó không rẻ (nhiều chuyên khoa bác sĩ gần như gắn liền với máy móc y cụ).
Với quốc gia đã công nghiệp hóa, những máy móc y cụ ấy luôn có người nghiên cứu chế tạo chúng. Họ có thể chế tạo ra mọi thứ chỉ sợ không có người xài mà thôi. Còn ta, luôn có người xài nhưng cái gì cũng phải mua. Người ta luôn hướng lên trên, cố gắng tạo ra cái gì chưa ai có (tức là phải dùng chất xám) còn ta chỉ đợi họ tạo ra cái gì mới mua về xài (chỉ dùng kỹ năng).
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.