Trong bài "Chính phủ Thái Lan dự định tặng tiền cho người dân đi du lịch", tôi có xem một đoạn video so sánh sự khác biệt giữ du lịch Thái Lan và Việt Nam. Đoạn video ngắn nhưng người xem thấy rất rõ ràng về sự cách biệt của ngành du lịch Việt Nam và Thái Lan.
Tôi từng đi du lịch một số nước trong khu vực Đông Nam Á. Tôi phải công nhận một điều là tài nguyên du lịch của Việt Nam không thua kém bất kỳ đất nước nào. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn vào lượt khách cũng như doanh thu của ngành du lịch trong khu vực, Việt Nam chỉ xếp thứ 5 tại Đông Nam Á (sau Thái, Malaysia, Indonesia, Singapore).
Đây là điều chúng ta cần quan tâm, phân tích để tìm ra nguyên nhân và thực trạng của nghành du lịch, nhằm nâng cao sức cạnh tranh cũng như hiệu quả của hoạt động kinh doanh du lịch của Việt Nam.
Tôi gần như đã đi du lịch khắp cả Việt Nam (và rất thường xuyên). Tôi thực sự rất buồn khi thấy các sản phẩm du lịch của chúng ta đơn điệu, thiếu điểm nhấn, sản phẩm du lịch dựa phần nhiều vào tài nguyên du lịch (cảnh đẹp, khí hậu, di tích...). Rất hiếm có sản phẩm có sự đầu tư chất xám, tư duy của con người, điều này dẫn đến sản phẩm du lịch nhàm chán, không thay đổi qua thời gian.
Tôi lấy một ví dụ. Tại Singapore, một đất nước có diện tích ngang ngửa với đảo Phú Quốc. Năm 2017, họ đón gần 14 triệu lượt khách so với Việt Nam đón gần 13 triệu (số liệu của UNWTO Tourism Highlights 2018). Singapore hầu như không có tài nguyên du lịch thiên nhiên do đó họ tạo ra các công trình mang tính biểu tượng và cực kỳ thu hút khách du lịch như Vườn bên Vịnh (Garden by the Bay), Nhà Hoa (Flowers Dome), Vòng xoay Singapore Flyer... trong khi sản phẩm du lịch của chúng ta chỉ chủ yếu dựa vào tài nguyên thiên nhiên và những tài nguyên nhân văn xưa cũ.
Một điểm yếu khác của sản phẩm du lịch Việt Nam là sự thiếu tương tác giữa người cung cấp dịch vụ và khách du lịch. Du lịch đến Thái Lan, Singapore, du khách nếu có dịp ghé vào các công viên giải trí, thảo cầm viên hoặc một sân khấu biểu diễn nghệ thuật, ngoài những chương trình biểu diễn, người quản trò dành nhiều thời gian để tương tác với khách du lịch ngay trong chương trình. Điều này tạo được sự hào hứng cũng như tạo cảm giác cho khách là mình được quan tâm.
Các bạn sinh sống hoặc đi du lịch tại TPHCM, khi ghé vào Thảo Cầm Viên Sài Gòn, nếu may mắn các bạn sẽ được xem các quản tượng biểu diễn cùng với các chú voi, nhưng rất nhàm chán và dẫn chương trình bằng tiếng Việt trong khi bên Thái Lan họ dùng tiếng Thái, tiếng Anh và tiếng Hoa và đôi khi có vài câu tiếng Việt. Sự tương tác này tuy đơn giản nhưng tạo được những ấn tượng khó phai trong tâm trí du khách.
Sự thiếu vắng các hoạt động vui chơi giải trí về đêm cũng như thông tin về các sự kiện mang tính cộng đồng cũng là một yếu điểm của du lịch Việt. Tại TP HCM, một thành phố có lượng du khách quốc tế đứng đầu cả nước nhưng du khách khó có thể tìm được các chương trình nghệ thuật đặc sắc mang đậm bản sắc Việt ngoài hai chương trình Múa rối nước và À Ố show.
Trong khi đó các sự kiện âm nhạc, nghệ thuật quy mô chưa thực sự được đầu tư quy củ và mang tính chất quốc tế. Các quốc gia như Thái Lan, Singapore họ rất quan tâm đến việc tổ chức các sự kiện mang tầm khu vực và quốc tế. Ví dụ tại Thái Lan, họ đã và đang đầu tư hạ tầng phục vụ các chương trình thời trang, ca nhạc quy tụ các ca sĩ hạng A trong khu vực và trên thế giới. Trong khi Singapore, họ có giải quần vợt được xếp trong hệ thống ATP, giải đua xe công thức một và sự kiện thời trang mang tầm cỡ quốc tế. Ngoài ra các lễ hội truyền thống còn được người Thái khéo léo chuyển đổi thành những sự kiện thu hút khách du lịch nhưng không làm mất đi tính truyền thống vốn có của nó, ví dụ như lễ hội Songkran (lễ hội Té Nước).
Những sự kiện này còn được thông tin bài bản bằng nhiều thứ tiếng trên một website để khách du lịch có thể tham khảo lựa chọn trước khi đưa ra quyết định về chuyến đi. Đây thực sự là một việc làm chúng ta cần học hỏi và làm theo.
Phát triển du lịch chúng ta không thể cứ mãi dựa vào tài nguyên du lịch sẵn có. Đã đến lúc chúng ta phải đầu tư suy nghĩ để tạo ra những công trình nhân tạo, những sản phẩm du lịch mang tính biểu tượng cho du lịch Việt Nam.
Bến Bạch Đằng ở TPHCM nhìn sang bán đảo Thủ Thiêm không khác mấy so với cửa sông Singapore nơi đặt biểu tượng Merlion của Singapore, hoặc là khu chợ Asiantique the Riverfront của Bangkok nơi có hàng triệu du khách tới tham quan chụp ảnh mỗi năm. Thế nhưng bến Bạch Đằng chưa được đầu tư xây dựng đúng với tiềm năng của nó.
Hàng chục năm nay, khách quốc tế đến với TP HCM chỉ có ba chương trình tour để lựa chọn: tour vòng quanh thành phố (city tour), tour đi tham quan Củ Chi, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh và tour đi Miền Tây.
Sự đơn điệu, kém sáng tạo của sản phẩm du lịch khó có thể kéo chân khách du lịch quay lại lần hai. Đó cũng là lý do khiến cho Việt Nam là điểm đến có tỉ lệ trở lại thấp nhất trong các quốc gia top năm trong khu vực.
Thực sự với những gì chúng ta đã và đang làm, Việt Nam thực sự cần một cuộc cách mạng để thay đổi và phát triển nếu không chúng ta sẽ nhanh chóng bị các nước trong khu vực bỏ lại trong cuộc đua ngành du lịch.
>> Bài viết cùng tác giả: Du lịch nông nghiệp - 'Nàng tiên' cần được người Việt đánh thức
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.