Đứa con đầu, năm nay học lớp ba, nhưng chi phí nuôi mỗi tháng luôn vượt mức năm triệu đồng.
Với tổng thu nhập của hai vợ chồng gần ba mươi triệu đồng mỗi tháng, hai vợ chồng lại còn đang ở nhà thuê nên tất cả mọi chi phí sinh hoạt hàng tháng phải được định mức từ trước. Cuối tháng, nếu tổng kết chi tiêu tăng nhiều, thì phải cân đối, giảm trừ mua sắm lại vào tháng sau.
>> Mua được nhà Sài Gòn mới tính chuyện sinh con
"Hai vợ chồng giảm mua sắm thì được, nhưng tiền cho con nhất định phải chi". Nay nghe tin sắp có đứa thứ hai, hai vợ chồng bóp trán suy nghĩ, hay là gửi đứa lớn về cho ông bà nuôi giúp. Ba mươi triệu mỗi tháng là một số tiền lớn ở quê, một gia đình bốn người có thể chi tiêu cơ bản thoải mái, vẫn còn một số tiền để tiết kiệm.
Nhưng với một gia đình ở thành phố, điều đó rất khó thực hiện. Khi xã hội dần phát triển, nhu cầu con người cũng dần cao. Kỳ vọng của cha mẹ với con cái cũng tăng, điều đó thể hiện qua việc đầu tư nuôi con ngày càng tốn nhiều tiền.
Khi được xem một danh sách những khoản chi tiền cho con như tiền học, tiền ăn, tiền sữa, tiền quần áo, giày dép, tiền học thêm... tôi thấy đã hơn năm triệu đồng mỗi tháng. Chưa kể, nếu cho con đi học thêm ngoại ngữ ở trung tâm, học kỹ năng vẽ, hát, đàn... thì phải xung quanh mức 10 triệu đồng mỗi tháng.
Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thu nhập bình quân tháng của người lao động 6 tháng đầu năm 2022 là 6,5 triệu đồng. Trong năm 2021, vùng có thu nhập bình quân đầu người cao nhất là vùng Đông Nam Bộ (5,794 triệu đồng/ người/ tháng), thu nhập bình quân TP HCM với 6,008 triệu đồng/ người/ tháng và ở TP Hà Nội là 6 triệu đồng/ người/ tháng.
>> Thu nhập 17 triệu đồng chưa dám kết hôn
Dĩ nhiên đây là mức thu nhập bình quân của nhiều tầng lớp lao động khác nhau. Với tổng thu nhập 30 triệu đồng của hai vợ chồng đồng nghiệp tôi, có thể xem ở top trên mức bình quân. Nhưng vẫn phải xoay xở, chi li để nuôi con mỗi tháng, tôi thấy nên ủng hộ việc đem con về quê nhờ ông bà nuôi giúp. Nhưng lúc đó lại thấy làm phiền cha mẹ già, cũng như sợ cuộc sống ở nông thôn tuy có rẻ hơn nhưng lại ít có cơ hội tiếp cận với kiến thức.
Tôi tuy còn độc thân, nhưng thấy việc kết hôn và nuôi trẻ con tốn kém quá nên đâm ra lo lắng.
Nhật Minh
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.