Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện 09, chuyên điều trị bệnh nhân HIV/AIDS, cho biết nấm thức thần còn gọi là nấm ma túy, mọc phổ biến những vùng khí hậu nhiệt đới như Bắc Mỹ, Mexico. Nấm chứa chất psilocine và psilocybine, là chất gây ảo giác có trong danh mục chất ma túy bị cấm tại hầu hết quốc gia. Tại Việt Nam, nấm thức thần bị cấm sử dụng, theo Nghị định 73 quy định về danh mục chất ma túy và tiền chất.
Bác sĩ cho biết khoảng hai năm nay nấm thức thần xuất hiện ở Việt Nam, được trồng lén, phát triển nhanh. Người ta ăn nấm thức thần để tìm cảm giác "lạc vào một thế giới khác". Một số người trẻ ăn nấm, với ý nghĩ nếu may mắn sẽ có một "chuyến du lịch tốt đẹp" (good trip) bởi cảm giác bay bổng, thoát ly thực tại, nhìn cái gì cũng đẹp. Nếu không may sẽ trải qua "một chuyến du lịch xui xẻo" (bad trip), khiến người mất sức lực, mệt mỏi...
Thông thường, người dùng cắt một cây nấm thức thần thành ba đến năm miếng để nhai hoặc ngậm. Khoảng 20 phút đầu tiên, họ sẽ cảm thấy thời gian và không gian như thu hẹp lại, không còn cảm nhận trọng lượng cơ thể, không còn khả năng di chuyển, nhìn mọi thứ méo mó, dị dạng, tâm trí hoàn toàn tách biệt với thế giới thực tại. Nhiều người còn xuất hiện suy nghĩ không mạch lạc, nói chuyện, khóc rồi cười một mình, có người nôn, ói, đi vệ sinh nhiều, người mất sức lực... Thời gian đạt đỉnh trong khoảng 6 đến 20 giờ.
Nấm thức thần là loại ma túy gây nghiện, ảo giác. Tùy thuộc vào người dùng và liều dùng dẫn đến biểu hiện, ảo giác khác nhau. Nếu sử dụng liều thấp gây ảo giác, liều cao dẫn đến tử vong. Ở một liều vừa đủ, nó dẫn đến cảm giác thích thú hơn dùng ma túy.
"Lạm dụng chất này có thể dẫn đến hoang tưởng, hoảng sợ và lo lắng, dễ dẫn đến tự sát, rối loạn tri giác", bác sĩ nhấn mạnh. Người dùng lâu dài dễ bị ngộ độc thần kinh trung ương, khiến các liên lạc của các vùng trong não với nhau bị cắt đứt và kết nối các vùng trong não mà trước đây chưa từng kết nối dẫn đến xáo trộn trong ý thức và loạn thần. Điển hình là những ảo giác về thị giác, nhìn gà hóa cuốc, nhìn sự vật này hóa thành sự vật khác, rối loạn ý thức, tri giác lộn xộn, đánh giá sai lệch về các sự kiện trước mắt.
Các ảnh hưởng khác như gây nghiện, tăng huyết áp, nhịp thở hoặc nhiệt độ cơ thể, ăn mất ngon, khô miệng, các vấn đề về giấc ngủ, các giác quan lẫn lộn...
Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, nhấn mạnh nấm thức thần thuộc loại nhóm chất hướng thần - là chất kích thích, ức chế thần kinh hoặc gây ảo giác, nếu sử dụng nhiều lần có thể dẫn tới tình trạng nghiện đối với người sử dụng.
"Vì gây nghiện, nấm thức thần ít hay nhiều đều nguy hiểm, phải sớm ngăn chặn", tiến sĩ Thịnh cảnh báo.
Thùy An -Thúy Quỳnh