"Điều đó đang được chuẩn bị. Tôi không muốn dự đoán gì cho tới khi chúng tôi hoàn thành", Tổng thống Joe Biden nói hôm 25/5 khi được hỏi Mỹ đang xem xét phương án cấm vận như thế nào nhằm vào Belarus.
Phát biểu được đưa ra một ngày sau khi các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) nhất trí thông qua biện pháp trừng phạt với Belarus, đồng thời lên án nước này điều tiêm kích buộc máy bay của hãng hàng không Ryanair hạ cánh khẩn cấp xuống Minsk để bắt nhà báo đối lập Roman Protasevich và bạn gái Sofia Sapega.
Ông chủ Nhà Trắng trước đó lên án mạnh mẽ vụ bắt Protasevich, gọi đây là "sự coi thường tới các thông lệ quốc tế" và hoan nghênh các biện pháp trừng phạt của EU.
Chuyến bay 4978 của hãng hàng không Ryanair khởi hành từ Athens, Hy Lạp, vào sáng 23/5 để tới thủ đô Vilnius của Litva bị tiêm kích Belarus ép chuyển hướng đến thủ đô Minsk. Tổng thống Lukashenko đã điều tiêm kích buộc phi cơ hạ cánh khẩn cấp để bắt nhà báo đối lập Roman Protasevich và bạn gái Sofia Sapega.
Giới lãnh đạo phương Tây cáo buộc chính quyền Belarus có hành vi "không tặc" với máy bay châu Âu, trong khi Minsk tuyên bố làm như vậy để đảm bảo an toàn cho chuyến bay sau khi nhận cảnh báo có bom trên phi cơ.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng không nên "đánh giá vội vàng và phải dựa vào các thông tin có sẵn, đồng thời chỉ ra các sự việc trước đây liên quan tới vụ Áo buộc chuyến bay chở Tổng thống Bolivia Evo Morales hạ cánh năm 2013.
Protasevich, 26 tuổi, từng làm việc cho hãng tin Ba Lan Nexta và phát nhiều hình ảnh về những cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Lukashenko hồi năm ngoái qua ứng dụng Telegram. Nhà báo này bị truy nã tại Belarus với cáo buộc khủng bố, tổ chức bạo loạn và kích động thù ghét xã hội. Protasevich bác bỏ những cáo buộc này.
Những cuộc biểu tình ở Belarus kéo dài hơn 6 tuần hồi giữa năm ngoái sau khi Lukashenko, người cầm quyền 26 năm, tuyên bố tái đắc cử với hơn 80% phiếu bầu. Phe đối lập ở Belarus và EU không công nhận kết quả bầu cử, cho rằng cuộc bỏ phiếu bị gian lận.
Vũ Anh (Theo Reuters)