Tổng thống Joe Biden đang kêu gọi các bang và chính quyền địa phương nhập cuộc cùng những bang đã tặng tiền cho người tiêm vaccine. New York, thành phố lớn nhất đất nước, bắt đầu tặng 100 USD cho mỗi người tiêm vaccine vào cuối tuần trước.
Tổng thống, các quan chức y tế và lãnh đạo bang đang đặt cược rằng động cơ tài chính sẽ thúc đẩy những người do dự tiêm vaccine, khi biến thể Delta đang hoành hành tại nhiều vùng của đất nước, đặc biệt là những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Số lượng mũi tiêm hàng ngày ở Mỹ đã giảm mạnh so với mức cao điểm hồi tháng 4.
Jay Vojno, người tiêm vaccine hôm 30/7 ở New York, nói rằng anh biết thế nào ý tưởng tặng tiền cũng sẽ được triển khai, vì vậy anh đã trì hoãn tiêm chủng cho đến khi nó thành hiện thực. "Tôi biết họ sẽ làm điều đó, vì vậy tôi cứ chờ đợi", anh giải thích.
Bradley Sharp, sinh viên sắp nhập học, tiêm vaccine cuối tuần trước tại Quảng trường Thời đại. Sharp đã trì hoãn tiêm vaccine, nhưng anh biết rằng mình phải làm vậy vì đây là yêu cầu bắt buộc của trường anh sẽ theo học. "Tôi đến đây, tiêm luôn hôm nay và nhận 100 USD vì dù sao tôi cũng sẽ phải tiêm", Sharp nói.
Các bang khác cũng đang bắt đầu chương trình tặng tiền. New Mexico đã đi tiên phong, triển khai tặng tiền mặt vào tháng 6 và cũng bắt đầu phát 100 USD cho người tiêm vaccine từ hôm 2/8. Ohio đang tặng 100 USD cho các nhân viên bang chịu tiêm chủng.
Minnesota bắt đầu tặng 100 USD từ 30/7, mặc dù một số người tiêm vaccine Johnson & Johnson tại sân bay quốc tế Minneapolis-St. Paul không biết rằng họ sẽ được tặng tiền.
Vidiya Sami, nhân viên văn phòng từ vùng ngoại ô Richfield, đến sân bay vì đây là địa điểm duy nhất cung cấp vaccine một liều Johnson & Johnson. "Đó là lý do tôi chọn nó, một lần là xong", Sami nói.
Sami đã trì hoãn tiêm vì cô lo sợ, đặc biệt là khi đọc những điều người khác viết về tác dụng phụ của vaccine. "Tôi càng khiến bản thân lo lắng hơn bằng cách tham gia các nhóm Facebook và đọc triệu chứng của mọi người sau khi tiêm", cô nói. "Nhưng càng nghiên cứu thì tôi càng nhận ra ưu điểm lớn hơn nhiều so với hạn chế".
Các ưu đãi vật chất này không phải là mới: Một số bang đã thử tặng quà theo hình thức bốc thăm trúng thưởng, tặng bia miễn phí, thẻ quà tặng và những thứ khác. Tuy nhiên, Harald Schmidt, giáo sư Đại học Pennsylvania, cho biết không rõ chúng có khiến nhiều người tiêm vaccine hơn hay không.
California đã trao cho những người tiêm vaccine tổng cộng 116,5 triệu USD bằng thẻ quà tặng và giải thưởng, đây là khoản chi khuyến khích tiêm vaccine lớn nhất nước Mỹ. Họ đã đặt mục tiêu tiêm cho 70% số người đủ điều kiện trước ngày 15/6. Tuy nhiên, tính đến 29/7, chỉ 62,5% người dân California từ 12 tuổi trở lên được tiêm chủng đầy đủ.
Tại Colorado, Thống đốc Jared Polis treo một loạt giải thưởng, bao gồm 5 giải thưởng trị giá một triệu USD và 25 học bổng đại học trị giá 50.000 USD. Ông nhấn mạnh rằng sáng kiến này rất quan trọng đối với chiến dịch tiêm chủng. Cơ quan y tế bang gửi tin nhắn đến những cư dân chưa tiêm chủng sống gần các điểm tiêm vaccine để thông báo cho họ về ưu đãi thẻ quà tặng Walmart trị giá 100 USD. Bang cho biết các điểm tiêm đã ghi nhận số lượt người đến tăng 40% kể từ khi chương trình được công bố vào ngày 21/7.
Chính quyền Biden dự đoán các biện pháp khuyến khích bằng tiền mặt sẽ phát huy hiệu quả. Nhà Trắng tuần trước nêu dẫn chứng một chuỗi cửa hàng tạp hóa đã tặng 100 USD cho người lao động tiêm vaccine và sau đó chứng kiến tỷ lệ tiêm chủng tăng cao. Nhà Trắng cho biết chính quyền bang và địa phương có thể sử dụng ngân sách từ gói Kế hoạch Cứu trợ liên bang Mỹ để triển khai chương trình tặng 100 USD.
Việc phải sử dụng các biện pháp như vậy cho thấy chính quyền các bang đang gặp rất nhiều khó khăn khi kêu gọi hàng chục triệu người chần chừ tiêm chủng đi tiêm vaccine, Schmidt nói.
"Việc lo lắng về tỷ lệ tiêm vaccine thấp và cố gắng tìm phương pháp để thúc đẩy chương trình là đúng", ông nói, giải thích rằng ông hiểu động lực khiến các bang phải tặng tiền mặt. Nhưng ông cũng đặt câu hỏi tại sao người Mỹ lại cần những khoản tiền như vậy mới chịu đi tiêm chủng.
"Nếu chỉ đơn giản là tung tiền để tiêm vào cánh tay người dân, chúng ta không thực sự đạt được bất kỳ tiến bộ nào trong giải quyết vấn đề lớn hơn, đó là người Mỹ đang thiếu tin tưởng vào hệ thống y tế hoặc chính phủ", ông nói.
Phương Vũ (Theo AP)