Bộ Tài chính Mỹ hôm 16/12 thông báo đưa DJI, hãng sản xuất thiết bị không người lái hàng đầu Trung Quốc, cùng 7 công ty công nghệ khác vào danh sách các thực thể bị nghi liên quan đến quân đội Trung Quốc, cấm người Mỹ mua hoặc bán cổ phiếu của những công ty này. Phía Washington cáo buộc 8 công ty đã hỗ trợ "giám sát và theo dõi sinh trắc học" người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.
"Quyết định này làm nổi bật tình trạng các công ty tư nhân trong lĩnh vực công nghệ giám sát và quốc phòng Trung Quốc đang tích cực phối hợp với nỗ lực của chính phủ nước này, nhằm kiểm soát thành viên các nhóm dân tộc và tôn giáo thiểu số", Brian Nelson, Thứ trưởng Tài chính Mỹ phụ trách khủng bố và tình báo tài chính, cho biết.
Cùng ngày, Bộ Thương mại Mỹ thêm Học viện Khoa học Quân y của Trung Quốc và 11 viện nghiên cứu thuộc cơ sở này vào danh sách đen thương mại, hạn chế tiếp cận hàng xuất khẩu Mỹ. Theo Bộ Thương mại Mỹ, học viện này sử dụng công nghệ sinh học vì mục đích quân sự, bao gồm "vũ khí được cho là kiểm soát não bộ", nhưng không giải thích thêm.
Một số công ty Trung Quốc khác cũng bị thêm vào danh sách đen thương mại với cáo buộc mua lại, hoặc nỗ lực mua lại, công nghệ từ Mỹ nhằm hỗ trợ hiện đại hóa Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington gọi những lệnh trừng phạt này là hành vi "đàn áp không chính đáng", vi phạm các quy tắc thương mại tự do, nói thêm rằng Bắc Kinh sẽ thực hiện "tất cả biện pháp cần thiết" để duy trì lợi ích của các công ty và tổ chức nghiên cứu Trung Quốc.
"Sự phát triển công nghệ sinh học của Trung Quốc luôn vì lợi ích của nhân loại. Những tuyên bố từ phía Mỹ hoàn toàn vô căn cứ", phát ngôn viên đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ Lưu Bằng Vũ cho hay.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân hôm nay cũng chỉ trích các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ, cho biết Bắc Kinh "vô cùng không hài lòng và kiên quyết phản đối".
Các chuyên gia Liên Hợp Quốc cùng nhiều nhóm nhân quyền ước tính hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và thành viên các nhóm Hồi giáo thiểu số khác đã bị giam giữ, thậm chí ngược đãi, trong hệ thống "trại cải huấn" ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc nhiều lần phủ nhận mọi cáo buộc, khẳng định đây là các trung tâm đào tạo nghề nhằm chống lại mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố cực đoan, đồng thời giúp người Duy Ngô Nhĩ hòa nhập xã hội.
Những lệnh trừng phạt mới có khả năng khiến quan hệ vốn căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh thêm trầm trọng, dù Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 11 họp thượng đỉnh trực tuyến nhằm đặt ra các ranh giới ngăn hai siêu cường rơi vào xung đột.
Thượng viện Mỹ hôm 16/12 thông qua dự luật "chống lao động cưỡng bức với người Duy Ngô Nhĩ", trong đó quy định cấm nhập khẩu hàng hóa từ Tân Cương. Biden cho biết ông sẽ ký dự luật này.
Ánh Ngọc (Theo Reuters, AFP)