Trong thông cáo hôm 31/7, Bộ Tài chính Mỹ cho biết danh sách trừng phạt gồm Binh đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương (XPCC) cùng cựu bí thư đảng ủy XPCC Tôn Kim Long và phó bí thư đảng ủy XPCC Bành Gia Thụy. Những người này bị Mỹ cáo buộc "liên quan tới việc lạm dụng nhân quyền nghiêm trọng với các nhóm thiểu số ở Tân Cương".
Một quan chức cao cấp Mỹ cho biết XPCC là một "tổ chức bán quân sự thực hiện nhiều chức năng" dưới sự chỉ đạo trực tiếp chính quyền. "Họ trực tiếp tham gia hoạt động giám sát, bắt và giáo dục tư tưởng toàn diện" đối với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương.
Động thái của Washington sẽ đóng băng mọi tài sản ở Mỹ của các cơ quan và cá nhân bị trừng phạt cũng như ngăn người Mỹ giao dịch với họ. Quyết định này được đưa ra vài tuần sau khi Mỹ áp trừng phạt với bí thư đảng ủy Tân Cương Trần Toàn Quốc.
XPCC là một tổ chức bán quân sự được thành lập năm 1954 và được khởi xướng ban đầu từ những người lính xuất ngũ, những người vừa dành thời gian để huấn luyện quân sự vừa biến những vùng đất khô cằn thành trang trại. Các thành viên dân sự ở miền đông sau đó gia nhập vào binh đoàn, nâng số thành viên lên 3,11 triệu người, tương đương khoảng hơn 12% dân số khu vực.
Trung Quốc nhiều lần phủ nhận người Duy Ngô Nhĩ bị "phân biệt đối xử" và cho biết đang tập trung giải quyết tình trạng kém phát triển cũng như thiếu việc làm ở các khu vực tập trung người Duy Ngô Nhĩ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tháng trước ký ban hành Đạo luật Chính sách Nhân quyền người Duy Ngô Nhĩ, trong đó kêu gọi trừng phạt những người chịu trách nhiệm "giam hàng loạt" người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm Hồi giáo khác ở Tân Cương
Trung Quốc nhiều lần phủ nhận cáo buộc của Mỹ, cảnh báo sẽ hành động đáp trả và gọi các động thái của Mỹ về Tân Cương là "can thiệp thô bạo" vào vấn đề nội bộ của nước này. Bộ Ngoại giao Trung Quốc hồi tháng 5 cũng chỉ trích Mỹ vi phạm các quy tắc cơ bản về điều chỉnh quan hệ quốc tế.
Ngọc Ánh (Theo Reuters)