Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nói rằng nếu chiến thắng sau cuộc bầu cử ngày 3/11, ông sẽ đàm phán các thỏa thuận hạt nhân với Triều Tiên một cách "vô cùng nhanh chóng". Tuy nhiên, dù quan hệ cá nhân giữa ông chủ Nhà Trắng với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vẫn tốt đẹp, giới chức Bình Nhưỡng được cho là phải tính đến khả năng Trump thất cử, trong bối cảnh ông bị đối thủ Joe Biden dẫn trước trong các cuộc thăm dò.
Cuối năm ngoái, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) từng gọi Biden, ứng viên tổng thống đảng Dân chủ, là "chó dại cần bị diệt trừ" vì "xúc phạm nhân phẩm của lãnh đạo tối cao Triều Tiên".
Bình luận của KCNA đưa ra sau khi chiến dịch tranh cử của Biden cho chạy đoạn quảng cáo đưa hình ảnh Trump bắt tay Kim tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Singapore năm 2018 cùng thông điệp chỉ trích lãnh đạo Triều Tiên. Biden nhắc lại quan điểm này hồi tháng một, khi cho biết ông sẽ không gặp Kim nếu các điều kiện tiên quyết không được đáp ứng.
Sau khi Trump lên nắm quyền, Mỹ và Triều Tiên từng trải qua nhiều tháng đe dọa và lăng mạ lẫn nhau. Tuy nhiên, Trump lại trở thành Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên gặp gỡ một lãnh đạo Triều Tiên với hội nghị thượng đỉnh ở Singapore năm 2018.
Hai lãnh đạo sau đó gặp nhau thêm hai lần tại Hà Nội và biên giới liên Triều, đồng thời trao đổi những bức thư mà Trump ca ngợi là "tốt đẹp". Tuy nhiên, mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vẫn chưa thoát khỏi tình thế bế tắc.
Trái ngược với cách hành động của Trump, Biden cho biết ông sẽ không tiếp tục chính sách thúc đẩy ngoại giao cá nhân với Kim, gọi những cuộc gặp giữa hai lãnh đạo là "dự án viển vông" và chỉ nên tiến hành nếu chúng đi kèm với "một chiến lược thực tế thúc đẩy phi hạt nhân hóa".
Tuy nhiên, một cố vấn giấu tên của Biden cho biết cựu phó tổng thống Mỹ sẽ không "đóng sập" cánh cửa ngoại giao với Triều Tiên. Thay vào đó, ông chọn phương án "trao quyền cho các nhà đàm phán và thực hiện một nỗ lực bền vững, phối hợp với các đồng minh và đối tác" để vừa gây áp lực, vừa khuyến khích Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa.
Do từng là "phó tướng" dưới thời Barack Obama, một số phần trong chính sách của Biden được cho là sẽ tương tự chiến lược "gây áp lực kiên trì" của cựu tổng thống Mỹ, có nghĩa là tìm cách cô lập Triều Tiên và không đưa ra những "phần thưởng" ngoại giao trước các động thái khiêu khích của Bình Nhưỡng.
"Nhiều cố vấn trong chiến dịch của Biden từng thuộc nhóm chiến lược kiên trì. Họ ủng hộ nỗ lực phối hợp với các đồng minh và có những cách tiếp cận chính thống trong vấn đề ngoại giao, bao gồm quan hệ với Triều Tiên", Chang Ho-jin, cựu thư ký chính sách đối ngoại cho tổng thống Hàn Quốc, người từng làm việc với vài trợ lý của Biden, cho biết.
"Dưới thời Biden, Triều Tiên sẽ không phải đối mặt với những lo ngại về hành động quân sự không thể lường trước như phong cách của Trump, nhưng có khả năng bị gây sức ép nhiều hơn", Chang nhận định.
Mặc dù Biden cam kết hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh, nỗ lực của ông có thể gặp trở ngại, bởi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in theo đuổi quan điểm hợp tác nhiều hơn với Triều Tiên, nới lỏng các lệnh trừng phạt và hạ thấp tầm quan trọng của các vấn đề khác.
"Vì vậy, cách xử lý của Biden có thể tạo ra mâu thuẫn giữa Washington với Seoul", James Kim, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan của Hàn Quốc, đánh giá.
Triều Tiên cũng đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc nâng cấp tiềm lực quân sự so với thời điểm Biden còn là phó tổng thống Mỹ, như thử nghiệm thành công bom hạt nhân lớn nhất của nước này, hay phát triển những tên lửa đủ khả năng vươn tới bất cứ đâu trên lãnh thổ Mỹ.
Theo Evans Revere, nhà cựu đàm phán Mỹ từng làm việc với Triều Tiên, cộng đồng phụ trách kiểm soát vũ khí của Mỹ có khả năng sẽ có tiếng nói mạnh mẽ trong chính quyền Biden, từ đó thuyết phục rằng đã đến lúc chấp nhận Triều Tiên là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, cách tiếp cận đó lại giúp Triều Tiên đạt được mục tiêu họ theo đuổi lâu nay là củng cố năng lực hạt nhân, trong khi Biden gần như chắc chắn sẽ cứng rắn hơn nếu đắc cử tổng thống, dẫn tới nguy cơ thúc đẩy Bình Nhưỡng đáp trả, Revere nói thêm.
"Nếu Biden giành chiến thắng vào tháng 11, Triều Tiên có khả năng sẽ thực hiện một bước đi nghiêm trọng vào cuối năm, như tiến hành thử hạt nhân hoặc tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), nhằm cảnh báo chính quyền mới tránh xa cách tiếp cận mà họ đang hướng tới", nhà cựu đàm phán dự đoán.
Jung Pak, nhà cựu phân tích của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đồng thời là cố vấn không chính thức cho chiến dịch của Biden, cho rằng bất cứ động thái khiêu khích nào của Triều Tiên cũng có thể thúc đẩy chính quyền mới của Mỹ áp dụng chiến lược mới.
"Một vụ thử hạt nhân hoặc ICBM của Bình Nhưỡng sẽ tạo cơ hội cho chính quyền mới làm nổi bật mối đe dọa từ Triều Tiên, đồng thời cố gắng xây dựng sự đồng thuận hoặc thỏa thuận với các đồng minh về một chính sách thống nhất để giải quyết vấn đề Triều Tiên", Jung Pak nhận định.
"Đó là cách tiếp cận không lãng phí cơ hội tốt từ một cuộc khủng hoảng", bà nói thêm.
Ánh Ngọc (Theo Reuters)