Mỹ có nguy cơ trải qua đợt bùng phát thứ 4 khi số ca nhiễm mới gia tăng mạnh mẽ ở vùng trung tây. Điều này làm dấy lên tranh luận giữa các chuyên gia về thời gian giữa hai liều vaccine. Nhiều người cho rằng nên hoãn tiêm liều thứ hai, để dành vaccine tiêm liều đầu tiên cho càng nhiều người càng tốt. Số khác cho rằng chiến lược này có thể làm phát sinh các biến thể mới nguy hiểm hơn.
Người Mỹ tiêm hai liều vaccine cách nhau từ ba đến 4 tuần, giống khuyến nghị từ các thử nghiệm lâm sàng. Ở Anh, cơ quan y tế đã hoãn liều thứ hai tới 12 tuần để tiêm bao phủ cho nhiều người hơn. Canada thậm chí tăng thời gian giữa hai liều lên 4 tháng.
Tiến sĩ Ezekiel J. Emanuel, giám đốc Viện Chuyển đổi Chăm sóc Sức khỏe tại Đại học Pennsylvania, đề xuất Mỹ làm theo chiến lược này trong vài tuần tới. Ông cho rằng số vaccine còn lại trước mắt nên dành cho những người tiêm liều đầu tiên.
"Điều này sẽ giúp dập đợt bùng phát thứ 4, đặc biệt ở những nơi như Michigan hay Minnesota", ông nói.
Tiến sĩ Emanuel và các đồng nghiệp công bố ý tưởng này trong buổi họp báo hôm 8/4. Tuy nhiên, ban cố vấn sức khỏe của chính quyền Tổng thống Joe Biden phản đối đề xuất, cho rằng hoãn tiêm chủng liều thứ hai là ý kiến tồi. Chuyên gia cảnh báo các biến thể mới có khả năng phát triển bên trong những người chỉ được tiêm chủng một phần, chưa đủ chống lại virus.
Tiến sĩ Luciana Borio, cựu trưởng nhóm khoa học của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA), cho biết: "Việc rời lại ngày tiêm liều hai rất nguy hiểm".
Tiến sĩ Anthony Fauci, Viện trưởng Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc qua, đồng tình với quan điểm này. Ông nói: "Hãy cứ làm theo những gì giúp bảo vệ tối ưu nhất, như chúng ta đã biết từ trước".
Cuộc tranh luận nhen nhóm từ tháng 12, khi các hãng dược tiết lộ kết quả thử nghiệm lâm sàng, đưa ra cái nhìn đầu tiên về vaccine Pfizer và Moderna. Theo đó, tình nguyện viên sau khi tiêm liều vaccine đầu tiên ít bị ốm hơn nhóm dùng giả dược.
Cũng trong tháng 12, Anh phát hiện biến thể có khả năng lây lan nhanh, dẫn đến một đợt bùng phát mới. Hoãn tiêm liều vaccine thứ hai, nước này có thể tiêm liều đầu tiên cho 11,7% dân số chỉ trong tháng 1. Tính đến ngày 8/4, 48% dân số Anh đã được tiêm chủng. Mỹ đi sau với 33% dân số.
Kể từ tháng 1, nhiều nhà nghiên cứu đã vận động chính phủ Mỹ học hỏi chiến lược của Anh.
"Tôi nghĩ ngay bây giờ, trước đợt bùng phát mới, chúng ta nên ưu tiên tiêm cho càng nhiều người trên 65 tuổi càng tốt, để ngăn ngừa các ca nhiễm nghiêm trọng và tử vong trong những tuần tới", Michael Osterholm, Đại học Minnesota, nhận định.
Gần đây, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh báo cáo, hai tuần sau khi tiêm một liều vaccine Moderna hoặc Pfizer, nguy cơ nhiễm nCoV của người dùng giảm 80%. Các nhà nghiên cứu tại Anh phát hiện độ bảo vệ đó tồn tại trong ít nhất 12 tuần.
Tiến sĩ Emanuel lập luận chiến lược của Anh đã đóng vai trò quan trọng trong việc giảm 95% số ca nhiễm nCoV kể từ khi dịch đạt đỉnh hồi tháng 1. Từ dữ liệu đó, ông cho rằng Mỹ nên mở rộng chương trình tiêm chủng. Emanuel và các đồng nghiệp ước tính nếu Mỹ áp dụng tiêm hai liều vaccine cách nhau 12 tuần, sẽ có thêm 47 triệu người được tiêm chủng trong ngày 5/4 vừa qua. Theo Sarah Cobey, chuyên gia dịch tễ tại Đại học Chicago, Mỹ đã đánh mất một cơ hội quý giá để cứu sống nhiều người.
Tiến sĩ Emanuel cho rằng vẫn chưa muộn để thực hiện phương án hoãn tiêm liều vaccine thứ hai. Nếu triển khai ngay, Mỹ sẽ bắt kịp Anh trong ba tuần. Biện pháp này không những cứu sống nhiều người, nó còn giảm sự lây truyền của virus sang những người chưa tiêm chủng.
Tuy nhiên, một số nhà khoa học cho rằng còn quá sớm để công nhận vaccine là yếu tố chính khiến số ca nhiễm và tử vong của Anh giảm.
"Họ đã làm nhiều việc khác, chẳng hạn phong tỏa", tiến sĩ Fauci nói.
Thay vì thử nghiệm thay đổi lịch tiêm chủng, nhiều chuyên gia cho rằng sẽ khôn ngoan hơn nếu kêu gọi người dân tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa cơ bản như đeo khẩu trang.
Thục Linh (Theo NY Times)