Covax, cơ chế đảm bảo phân phối vaccine công bằng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong thời gian qua đã chuyển hơn 25.000 liều vaccine đến các nước thu nhập thấp và trung bình. Việc giao hàng tạm dừng kể từ ngày 5/4.
Theo dữ liệu từ UNICEF, hai tuần qua, Covax phân phối chưa đến 2 triệu liều vaccine cho 92 quốc gia đang phát triển, bằng với số liều được tiêm ở Anh trong cùng khoảng thời gian.
Ngày 9/4, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus chỉ ra sự mất cân bằng trong chương trình tiêm chủng Covid-19 toàn cầu. Theo ông, tại các nền kinh tế lớn, cứ 4 người thì có một người được tiêm vaccine. Trong khi đó, tỷ lệ chủng ngừa ở các nước nghèo hơn là một trên 500 người.
Tình trạng khan hiếm chủ yếu bắt nguồn từ quyết định ngừng xuất khẩu vaccine AstraZeneca của Viện Huyết thanh Ấn Độ. Viện này là nơi cung cấp phần lớn vaccine cho chương trình Covax nhằm đảm bảo tiêm chủng cho một phần ba dân số thế giới.
Covax sẽ chỉ phân phối loại vaccine do WHO thông qua. Trong khi đó, các nước đang phát triển ngày càng mất kiên nhẫn. Nguồn cung cạn kiệt ở những quốc gia đã nhận lô hàng đầu tiên, dự kiến phải tiêm liều vaccine thứ hai trong 12 tuần tới. Liên minh Vaccine Gavi cho biết 60 nước bị ảnh hưởng bởi sự chậm trễ này.
Tại Kenyatta, người dân lo lắng không biết đến khi nào mới được tiếp tục tiêm chủng. Oscar Odinga, một công chức, cho hay: "Tôi sợ nếu không tiêm liều thứ hai, hệ miễn dịch của tôi sẽ yếu đi, tôi có thể chết (nếu nhiễm nCoV)".
Tài liệu nội bộ của WHO cho thấy chiến dịch phân phối lỏng lẻo khiến một số quốc gia mất niềm tin vào Covax. Cơ quan y tế Liên Hợp Quốc vì thế xem xét đẩy nhanh tiến trình phê duyệt vaccine Trung Quốc và Nga, vốn chưa được các cơ quan quản lý châu Âu và Mỹ chấp thuận.
Tháng trước, WHO cho biết sẽ bật đèn xanh đối với vaccine Sinopharm và Sinovac của Trung Quốc vào cuối tháng 4. Một số chuyên gia lưu ý cả hai loại vaccine hiện thiếu dữ liệu về độ an toàn và hiệu quả. Một số phân tích thậm chí chỉ ra rằng người dùng cần tiêm liều thứ ba mới đủ để ngăn ngừa Covid-19.
WHO cũng phải đối mặt với hàng loạt câu hỏi từ các nước tham gia chương trình Covax, rằng "liệu những người đã tiêm liều vaccine đầu tiên có cơ hội tiêm liều thứ hai hay không?". Tổ chức từ chối trả lời cụ thể về vấn đề này.
Theo Lavanya Vasudevan, phó giáo sư tại Viện Y tế Toàn cầu của Đại học Duke: "Tỷ lệ tiêm chủng toàn cầu thấp có thể khiến đại dịch kéo dài vài năm nữa. Mỗi ngày virus còn lây lan là một cơ hội để nó đột biến thành thể nguy hiểm hơn".
Đầu tháng này, WHO kêu gọi các nước giàu khẩn cấp chia sẻ 10 triệu liều vaccine, đáp ứng mục tiêu Liên Hợp Quốc về tiêm chủng đại trà ở mọi quốc gia trong 100 ngày đầu năm 2021. Đến nay, các nước đã viện trợ hàng trăm triệu đô la cho Covax. Song tổ chức không thể tìm được vaccine để mua, cũng không có nước nào đồng ý chia sẻ nguồn cung ngay lập tức.
Thông thường, động thái viện trợ vaccine đi theo định hướng chính trị, thay vì nhắm đến các quốc gia có số ca nhiễm nCoV cao nhất. Chúng gần như không đủ để bù đắp mục tiêu mà Covax đề ra. Think Global Health, một trang web dữ liệu do Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Quốc tế quản lý, báo cáo có 19 nước đã tặng tổng cộng 27,5 triệu liều vaccine cho 102 quốc gia khác, tính đến ngày 8/4.
Theo Ủy ban Cứu trợ Quốc tế, số ca nhiễm và tử vong trong tháng trước ở các nước nghèo tăng đột biến: 322% ở Kenya, 379% ở Yemen và 529% ở đông bắc Syria.
Hôm 8/4, các cơ quan hậu thuẫn cho Covax, bao gồm WHO, Liên minh Vaccine Gavi, Liên minh Chuẩn bị và Ứng phó Dịch bệnh (CEPI) đã tổ chức kỷ niệm mốc cung cấp 38 triệu liều vaccine cho hơn 100 quốc gia. Brook Baker, chuyên gia về vaccine tại Đại học Northeastern, cho rằng điều này không đáng để ca ngợi.
"Kỷ niệm phân phối đủ liều lượng cho 19 triệu người, tức là 0,25% dân số toàn cầu, là hành động bàng quan với tình hình thực tế. WHO và Gavi đã nhiều lần hứa hẹn quá viển vông và phân phối thiếu. Tại sao chúng ta nên tin rằng họ có thể tăng cường sản xuất và giao hàng trong vài tháng tới?", ông nói.
Tuy nhiên, một số chuyên gia có cái nhìn lạc quan hơn đối với WHO. Tiến sĩ Duncan Nyukuri, bác sĩ bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Quốc gia Kenyatta, nhận định: "Được tiêm chỉ một liều vaccine không có nghĩa cơ thể bạn yếu hơn hoặc dễ bị nhiễm bệnh. Bạn sẽ phát triển một số khả năng miễn dịch chống Covid-19, nhưng không tốt bằng người đã tiêm cả hai liều mà thôi".
Thục Linh (Theo SCMP)