Kế hoạch cũng bao gồm việc lập một chiến dịch quân sự có tên riêng tại Thái Bình Dương, cho phép Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phân bổ ngân sách và nguồn lực cho vấn đề Trung Quốc, hai nguồn tin cho biết ngày 15/6.
Các sáng kiến này dự kiến tiếp thêm sức mạnh cho tuyên bố cứng rắn của Tổng thống Joe Biden về Trung Quốc, đồng thời gửi tín hiệu rằng chính phủ mới của Mỹ "nghiêm túc đối phó" hoạt động gia tăng sức mạnh quân sự và hành vi gây hấn của Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương, nguồn tin cho biết.
Thông tin được đưa ra trong bối cảnh lãnh đạo các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày càng đồng thuận với "lập trường đối đầu" của Mỹ trước Trung Quốc.
NATO tuần này tuyên bố Trung Quốc là "thách thức an ninh" và "đang tìm cách phá hoại trật tự toàn cầu", 4 năm sau khi cựu tổng thống Mỹ Donald Trump coi đối phó với Trung Quốc là ưu tiên chính sách đối ngoại hàng đầu.
Sáng kiến thành lập lực lượng đặc nhiệm hải quân thường trực ở Thái Bình Dương được đưa ra bởi Nhóm Công tác Trung Quốc của Lầu Năm Góc, được Tổng thống Biden thành lập hồi tháng 3 nhằm kiểm tra chính sách và quy trình liên quan đến Trung Quốc của cơ quan này.
Nhóm này, do quan chức phụ trách chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Lầu Năm Góc Ely Ratner lãnh đạo, hoàn thành công việc gần đây và trình khuyến nghị cho Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin.
Một quan chức quốc phòng cho biết chưa có kế hoạch nào liên quan đến lực lượng đặc nhiệm hải quân thường trực ở Thái Bình Dương được hoàn thiện.
Các sáng kiến này được coi là "dấu hiệu đáng khích lệ" cho thấy Lầu Năm Góc thực hiện cam kết chuyển nguồn lực khỏi Trung Đông để đáp ứng nhu cầu tại Thái Bình Dương, cựu quan chức quốc phòng Mỹ Elbridge Colby cho biết.
"Lực lượng đặc nhiệm và chiến dịch có tên riêng gợi ý cho tôi rằng họ sẽ tăng cường sức mạnh của lực lượng tập trung vào Tây Thái Bình Dương", Colby nói. "Nếu lực lượng đặc nhiệm tập trung vào Tây Thái Bình Dương, chưa rõ đơn vị này sẽ tập trung vào Trung Quốc một cách công khai hay âm thầm".
Các nguồn tin cho biết lực lượng đặc nhiệm hải quân phụ trách Trung Quốc mới sẽ được xây dựng theo mô hình Lực lượng Hải quân Thường trực Đại Tây Dương của NATO, vốn hoạt động trước và trong Chiến tranh Lạnh.
Hải đội này là lực lượng phản ứng nhanh chuyên đối phó với một cuộc khủng hoảng, song dành phần lớn thời gian di chuyển trong khu vực, tham gia diễn tập theo kế hoạch và thực hiện các chuyến thăm cảng.
Hải đội bao gồm 6-10 tàu của các quốc gia thành viên NATO, bao gồm khu trục hạm, hộ vệ hạm và tàu hỗ trợ, thường hoạt động trong đơn vị này tối đa 6 tháng.
Jerry Hendrix, chuyên gia của công ty tư vấn Telemus Group, cho biết lực lượng đặc nhiệm châu Âu cho phép các quốc gia tham gia "tối đa hóa ảnh hưởng trên biển và chuyên môn hóa các khoản đầu tư".
Một lực lượng đặc nhiệm Thái Bình Dương hiệu quả sẽ bao gồm Anh và Pháp, các quốc gia đang tăng cường hiện diện quân sự tại đây, cùng Nhật Bản và Australia.
"Các sáng kiến được đề xuất sẽ là biện pháp răn đe vì thể hiện được sự thống nhất trong nỗ lực chống lại các mối đe dọa thái quá của Trung Quốc đối với tự do hàng hải và thương mại khi nước này đưa ra các yêu sách lãnh hải rộng lớn", Hendrix cho biết.
Các nguồn tin chưa rõ liệu lực lượng đặc nhiệm phụ trách Trung Quốc sẽ bao gồm chiến hạm Mỹ hay cả lực lượng của các nước khác. Lầu Năm Góc chưa báo cáo cho quốc hội Mỹ về các kế hoạch trên.
Bộ trưởng Austin hồi tuần trước ban hành chỉ thị khởi xướng nỗ lực tại Lầu Năm Góc nhằm giải quyết các thách thức an ninh từ Trung Quốc, dựa trên cơ sở khuyến nghị về lực lượng đặc nhiệm của Ratner. Các quan chức quốc phòng Mỹ từ chối cung cấp thông tin chi tiết và cho biết nhiều sáng kiến là bí mật.
Nguyễn Tiến (Theo Politico)