Chiến dịch quân sự mà Nga tiến hành ở Ukraine đã thúc đẩy Mỹ có những thay đổi chính sách lớn nhất kể từ sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001, mang lại cho Washington một ý thức mới về sứ mệnh và thay đổi tính toán chiến lược của mình với các đồng minh cũng như đối thủ.
Xung đột ở Ukraine đã giúp Mỹ với châu Âu gắn kết chưa từng có kể từ thời Chiến tranh Lạnh và làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa Washington với các đồng minh châu Á, đồng thời buộc phải đánh giá lại các đối thủ như Trung Quốc, Iran và Venezuela.
Cuộc khủng hoảng cũng đã tiếp thêm năng lượng cho vai trò lãnh đạo của Washington trong thế giới phương Tây, chỉ vài tháng sau khi Washington gây thất vọng với chiến dịch rút quân khỏi Afghanistan đầy hỗn loạn.
Nhưng trọng tâm chính sách mới của Mỹ nhắm vào Nga sẽ đi kèm những lựa chọn khó khăn và gây ra nhiều tranh cãi nội bộ.
"Có vẻ như chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mới", Benjamin J. Rhodes, cựu phó cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng dưới thời tổng thống Barack Obama, nhận xét. "Nhưng chúng tôi không chắc điều gì sẽ xảy ra tiếp theo".
Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine sẽ trở thành một "lăng kính" sàng lọc tất cả những chính sách đối ngoại tương lai mà Mỹ theo đuổi, giới chuyên gia và các quan chức chính quyền cho hay.
Trong tương lai gần, khủng hoảng Ukraine chắc chắn sẽ cung cấp thêm động lực cho cuộc đấu tranh vì dân chủ toàn cầu của Tổng thống Biden. Tuy nhiên, bản thân Mỹ cũng đang phải vật lộn với những vấn đề nội bộ gây ảnh hưởng tới niềm tin dân chủ của mình.
Xung đột Ukraine còn cho thấy chương trình nghị sự về biến đổi khí hậu cấp thiết ra sao, củng cố tính đúng đắn của chính sách chuyển đổi sang năng lượng sạch tái tạo thay vì phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, vốn là đòn bẩy lợi thế quan trọng của Nga trong cuộc cạnh tranh với phương Tây. Dù vậy, nó lại tạo ra áp lực mới đối với chính quyền Biden khi họ phải tìm mọi cách tăng nguồn cung dầu ngắn hạn từ các quốc gia vốn không có quan hệ thân thiện với Mỹ như Venezuela, Iran hay Arab Saudi.
Mặt khác, nó tạo ra một động lực mới mạnh mẽ để Mỹ tìm cách khiến Nga và Trung Quốc không xích lại gần nhau. Trước các lệnh trừng phạt cứng rắn chưa từng có từ phương Tây, Moskva được cho là sẽ phải dựa vào quan hệ ngoại giao và kinh tế gắn bó với Bắc Kinh để ứng phó. Nhưng không ít quan chức chính quyền Mỹ đến nay vẫn coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh số một và muốn thúc đẩy những chính sách kiềm chế cả Moskva và Bắc Kinh cùng lúc.
Chính sách đối ngoại của Mỹ với thế giới đang trải qua một bước thay đổi lớn khi cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan và Iraq đã kết thúc và những cuộc bàn luận về chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan không còn xuất hiện nhiều. Những người Mỹ đã mệt mỏi vì xung đột hoan nghênh lời kêu gọi từ cựu tổng thống Donald Trump về việc giảm bớt hiện diện quân sự của Mỹ ở nước ngoài.
Tổng thống Biden đã tìm cách xây dựng lại các liên minh của Mỹ, nhưng chủ yếu trên danh nghĩa tập hợp lại để cạnh tranh với Trung Quốc. Xung đột ở Ukraine đã mở rộng đáng kể sứ mệnh của ông, đồng thời tạo tiền đề cho một bước ngoặt địa chính trị có thể khiến Mỹ và các đồng minh chống lại Trung Quốc và Nga ngay lập tức nếu họ thành lập một liên minh đối đầu với phương Tây, bình luận viên Michael Crowley và Edward Wong từ NY Times đánh giá.
Nhưng cuộc khủng hoảng cũng mang lại cho Washington một ý thức mới và quan trọng hơn về mục đích của mình, Rhodes lưu ý. "Chúng ta đã cố gắng hướng tới một kỷ nguyên mới trong suốt thời gian dài. Và bây giờ, xung đột Ukraine đòi hỏi Mỹ phải đảm nhận những trọng trách lớn hơn".
Đã xuất hiện một số dấu hiệu ban đầu cho thấy các ưu tiên mới của Mỹ đang tạo ra những biến chuyển về ngoại giao.
Hôm qua, Mỹ và các đồng minh châu Âu đã đồng ý tạm dừng đàm phán với Iran về thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Các quốc gia phương Tây đang từ chối yêu cầu của Moskva, một bên trong thỏa thuận, rằng những giao dịch tương lai của họ với Tehran sẽ được miễn trừ khỏi các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga những tuần gần đây.
"Rõ ràng các cuộc đàm phán khôi phục thỏa thuận Iran không thể ngăn cản xung đột ở Ukraine", Dalia Dassa Kaye, chuyên gia về Iran tại tổ chức tư vấn RAND Corporation, cho biết.
Mỹ cũng đang nhìn Venezuela từ một góc độ mới. Các quan chức cấp cao chính quyền Biden đã đến Venezuela hai tuần sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Venezuela, một đối tác của Nga, đang chịu các lệnh trừng phạt nặng nề do Mỹ tung ra cách đây nhiều năm. Năm 2019, chính quyền Trump đã áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với công ty dầu khí nhà nước, ngân hàng trung ương và các quan chức cấp cao Venezuela để gây áp lực buộc Tổng thống Nicolas Maduro từ chức và công nhận lãnh đạo đối lập Juan Guaido.
Giờ đây, khi Tổng thống Biden tìm cách tăng nguồn cung toàn cầu nhằm kéo giảm giá dầu, giới chức Mỹ xem xét phương án nới lệnh cấm vận để có thể mua lại dầu của Venezuela. Tuy nhiên, ý tưởng này bị quốc hội Mỹ chỉ trích gay gắt.
Mục tiêu tăng nguồn cung dầu mỏ cũng đang định hình lại chính sách ngoại giao của Mỹ với Arab Saudi và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), hai quốc gia vùng Vịnh Ba Tư mà một số quan chức chính quyền Biden từng nhìn nhận với thái độ hoài nghi vì vai trò của họ trong cuộc chiến ở Yemen.
Arab Saudi đã từ chối tăng sản lượng khai thác dầu, trong khi UAE thông báo sẽ đợi đến ngày 16/3 mới yêu cầu Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) làm điều này. Giới chức Mỹ cũng rất tức giận với UAE vì đã từ chối bỏ phiếu ủng hộ một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm lên án chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, mặc dù họ đã ủng hộ một nghị quyết tương tự sau đó tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Vị thế của Nga trong nền kinh tế dầu mỏ cũng như thái độ không chắc chắn của Arab Saudi và UAE sẽ gia tăng động lực để chính quyền Biden ban hành các chính sách giúp Mỹ nhanh chóng "cai" nhiên liệu hóa thạch và đương đầu với cuộc khủng hoảng khí hậu, giới quan sát đánh giá. Điều này có thể khiến các chính quyền trong tương lai dành ít nguồn lực ngoại giao và quân sự hơn cho các quốc gia vùng Vịnh về dài hạn, ngay cả khi các quan chức Mỹ muốn họ trợ giúp về dầu ngay bây giờ.
Ở châu Âu, chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đã góp phần thúc đẩy nỗ lực của chính quyền Biden nhằm khôi phục tinh thần một liên minh NATO từng bị cựu tổng thống Trump làm suy yếu.
Nhưng ba thành viên liên minh, gồm Ba Lan, Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ, những quốc gia từng gây nhiều tranh cãi ở châu Âu về vấn đề quản trị, đã gây ra không ít khó khăn cho chính quyền Biden.
Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ đã bị loại khỏi hội nghị thượng đỉnh về dân chủ toàn cầu của Tổng thống Biden hồi tháng 12 năm ngoái và Liên minh châu Âu (EU) đã cắt hàng tỷ USD tài trợ cho Ba Lan và Hungary vì những gì họ coi là tình trạng xói mòn các nguyên tắc pháp lý, dân chủ tại hai quốc gia này. Hiện tại, cả ba nước đều tham gia vào NATO, liên minh đối trọng với Nga.
"Giữa thời kỳ khủng hoảng, sẽ có những lúc các giá trị và lợi ích của chúng ta bị xung đột", Andrea Kendall-Taylor, thành viên cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới, cho hay. "Trong ngắn hạn, chúng ta phải ưu tiên các chính sách về Nga mà bỏ qua những rủi ro liên quan đến việc xa rời các mối quan tâm về dân chủ và nhân quyền vốn luôn là trọng tâm trong chương trình nghị sự của chính quyền Biden".
Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, một số đối tác và đồng minh quan trọng của Mỹ gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Australia đang phối hợp với Washington nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu công nghệ đối với Nga.
Một số quốc gia châu Á đã đồng ý giao dịch khí đốt dài hạn với châu Âu nhằm giúp giảm nguy cơ từ động thái ngừng xuất khẩu năng lượng của Nga, nếu kịch bản này xảy ra. Australia cũng đã cam kết chi 50 triệu USD để gửi vũ khí tới Ukraine.
Tuy nhiên, Ấn Độ, một đối tác của Mỹ trong Bộ Tứ, đã từ chối lên án chiến dịch quân sự của Nga. Trung Quốc cũng đang đặt ra thách thức ngoại giao lớn nhất với chính quyền Biden. Trung Quốc là đối tác mạnh mẽ nhất của Nga và mối quan hệ giữa hai nước liên tục được tăng cường trong những năm gần đây.
Trung Quốc đến nay vẫn đứng về phía Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine, từ chối chỉ trích chiến dịch quân sự của Moskva.
Sự ủng hộ bền bỉ của ông Tập đối với ông Putin đã khiến các quan chức chính quyền Mỹ băn khoăn liệu có cách nào để kéo họ tách rời nhau hay không.
Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns hôm 11/3 nói với các thượng nghị sĩ nước này rằng ông tin Chủ tịch Trung Quốc thực sự "bất an" vì cuộc khủng hoảng Ukraine. Một số nhà phân tích về Trung Quốc nhận định nếu Bắc Kinh muốn bảo vệ hình ảnh của mình với các quốc gia phương Tây, đặc biệt là ở châu Âu, họ cuối cùng có thể phải thực hiện các bước đi nhằm hỗ trợ Ukraine mà không trực tiếp gây rạn nứt với Nga.
Ryan Hass, giám đốc phụ trách các vấn đề về Trung Quốc thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng dưới thời tổng thống Obama, đề xuất đưa ra các yêu cầu cụ thể để thăm dò thái độ của Bắc Kinh, như đề nghị họ cung cấp nhiều viện trợ nhân đạo hơn cho Ukraine.
"Nếu các lãnh đạo của Trung Quốc có những hành động cụ thể nhằm xoa dịu tình hình, nhiều sinh mạng sẽ được cứu và thế giới sẽ không còn phải chịu quá nhiều áp lực về một tương lai bị chia cắt thành những khối đối địch", ông nhấn mạnh.
Vũ Hoàng (Theo NY Times)