Phát biểu với Ủy ban Y tế, Giáo dục, Lao động và Hưu trí của Thượng viện Mỹ hôm 23/9, ông Redfield dự liệu nước này sẽ có khoảng 700 triệu liều vaccine vào cuối tháng 3 hoặc tháng 4 năm tới, đủ dùng cho 350 triệu người.
"Tôi nghĩ rằng quá trình tiêm phòng cho hầu hết công dân sẽ kéo dài trong tháng 4, tháng 5, tháng 6, có thể sang đến tháng 7", ông nói.
Đến nay, chưa có vaccine chính thức ngừa Covid-19, song một số ứng viên đã tiến đến thử nghiệm giai đoạn cuối. Tại Mỹ, các đơn vị dẫn đầu cuộc đua điều chế và phát triển bao gồm Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson.
Tiến sĩ Anthony Fauci, Viện trưởng Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia, cho biết nước này sẽ có khoảng 50 triệu liều vaccine vào tháng 11 năm nay. Đến tháng 12, số lượng tăng lên 100 triệu liều.
Mốc thời gian mà các quan chức y tế đưa ra có sự khác biệt so với Tổng thống Donald Trump. Quyền quyết định phân phối chủ yếu thuộc về CDC. Giám đốc Redfield cho biết "Chiến dịch Thần tốc" của chính phủ có nhiệm vụ đề ra cách thức cung cấp vaccine đến người dân.
Kể từ khi các "ứng viên" tiến đến giai đoạn thử nghiệm cuối cùng, nhiều chính trị gia đảng đối lập chỉ trích chính quyền Trump tạo sức ép đối với cơ quan y tế, cố gắng phê duyệt vaccine trước cuộc bầu cử ngày 3/11.
Song cả tiến sĩ Redfield tiến sĩ Stephen Hahn, giám đốc Cơ quan Quản lý Thực phẩm & Dược phẩm Mỹ (FDA), đều nhấn mạnh họ hành động dựa trên cơ sở khoa học, không phải chính trị.
"FDA sẽ không cấp phép một loại vaccine mà chúng tôi cảm thấy không đủ an toàn để sử dụng cho chính gia đình mình", giám đốc Hahn nói.
Đến nay, thế giới có hơn 150 loại vaccine đang được phát triển, trong đó 9 "ứng viên" tiến đến thử nghiệm giai đoạn cuối. Mỹ chưa phê duyệt bất cứ sản phẩm nào. 5 vaccine hiếm hoi được chấp thuận sử dụng khẩn cấp trên thế giới thuộc về Nga và Trung Quốc.
Thục Linh (Theo Reuters)