Chiến dịch Tiếp cận Vaccine Covid-19 Toàn cầu (COVAX), theo WHO hôm 21/9, trong giai đoạn đầu, phân phối vaccine theo tỷ lệ, một quốc gia nhận được lượng vaccine cho một phần dân số của mình, bắt đầu với 3%, sau đó lên 20%. Nếu nguồn cung còn hạn chế sau khi đạt 20%, phương pháp phân bổ sẽ được điều chỉnh. Trong giai đoạn 2, COVAX xem xét mức độ rủi ro ở từng nước, chuyển nhiều liều hơn đến những nơi có nguy cơ bùng dịch cao nhất.
WHO nêu rõ mỗi nước tham gia sẽ tự quyết định nhóm ưu tiên trong cộng đồng của mình, nhưng dựa trên ý tưởng chủ đạo rằng 3% dân số ban đầu là nhân viên y tế, rồi đến các nhóm có nguy cơ mắc Covid-19 cao khác.
Mariângela Batista Galvão Simão, trợ lý tổng giám đốc WHO, cho biết: "Cung cấp đủ liều tiêm cho mỗi quốc gia để bảo vệ hệ thống y tế và những người tử vong cao là cách tốt nhất để tối đa hóa hiệu quả của một lượng nhỏ vaccine".
Trước đó, hơn 150 quốc gia, chiếm 64% dân số thế giới, đã đồng ý tham gia Chiến dịch Tiếp cận Vaccine Covid-19 Toàn cầu (COVAX), nhằm cung cấp số liều tiêm trị giá 2 tỷ USD cho đến cuối năm tới. Theo kế hoạch, cả nước thu nhập thấp và thu nhập cao sẽ gom tiền đầu tư cho các nhà sản xuất, đảm bảo số lượng "ứng viên" nhất định. WHO không khuyến khích tích trữ mà tập trung tiêm chủng cho người có nguy cơ nhiễm bệnh cao ở mọi nơi.
Song một số nhà phân tích không đồng tình với cách làm này. Họ cho biết khuôn khổ kế hoạch phản ánh bản chất chí trị của quá trình và thực tế WHO là một tổ chức đa quốc gia.
"Nó có vẻ như là một động thái thỏa hiệp. Đây không phải điều nên làm nếu xét trên góc độ sức khỏe cộng đồng", ông Thomas J. Bollyky, thành viên cấp cao Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, nhận định.
Trong một báo cáo chính sách xuất bản trên Tạp chí Science tháng này, các nhà phê bình đã đưa ra một kế hoạch thay thế, được gọi là Mô hình Ưu tiên Công bằng. Họ cho rằng cung cấp đồng đều vaccine cho 3% dân số mỗi nước, từ New Zealand đến Papua New Guinea, là việc làm vô nghĩa, bởi nhu cầu và nguồn lực của họ rất khác nhau. Một bác sĩ tại quốc gia phát triển có thể có nguy cơ lây nhiễm ít hơn cư dân ở nước thu nhập thấp.
Các chuyên gia cho rằng việc phân phối nên tập trung vào mang lại lợi ích cho mọi người, hạn chế tác động, ưu tiên người yếu thế và thể hiện sự quan tâm bình đẳng về mặt đạo đức đối với mỗi cá nhân.
Thục Linh (Theo Washington Post)